Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Xây dựng nông thôn mới khó về đích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, tỉnh Gia Lai phấn đấu có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã NTM nâng cao và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với những thay đổi về chính sách của Trung ương, nhiều xã dự báo khó về đích trong năm nay.

Từ tiêu chí thu nhập

Kbang là 1 trong 2 huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu này, các ngành, địa phương đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho 6 xã gồm: Đak Rong, Krong, Lơ Ku, Đak Smar, Kon Pne và Kông Lơng Khơng đạt chuẩn NTM trong năm nay. Đối với các xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM thì tiếp tục duy trì nâng cao các tiêu chí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến thời tiết bất thường, nắng hạn kéo dài gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp khiến thu nhập của người dân bị giảm sút.

Thi công đường liên huyện Phú Thiện-Ia Pa. Ảnh: Quang Tấn
Thi công đường liên huyện Phú Thiện-Ia Pa. Ảnh: Quang Tấn


Theo báo cáo của UBND huyện Kbang, đến nay, 6 xã nói trên đạt từ 17 đến 18 tiêu chí (theo bộ tiêu chí cũ giai đoạn 2016-2020). Hầu hết địa phương đều vướng tiêu chí thu nhập và chỉ tiêu về bảo hiểm y tế (BHYT). Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của các xã mới chỉ đạt 29-33 triệu đồng. Để đạt tiêu chí thu nhập (41 triệu đồng/người/năm) vào cuối năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là bất khả thi. Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Giai đoạn 2016-2020, xã đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tiêu chí còn lại là thu nhập bình quân đầu người, cuối năm 2020 mới đạt trên 29 triệu đồng. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, các ngành của huyện cùng chính quyền xã đã vào cuộc quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực thực hiện tiêu chí này. Tuy nhiên, những bất lợi về thời tiết cũng như dịch bệnh đã khiến giá cả các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ cũng khó khăn. Theo đó, mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã vào cuối năm 2021 đạt 41 triệu đồng là rất khó.

Năm 2021, huyện Chư Păh đăng ký phấn đấu có thêm xã Ia Mơ Nông về đích NTM. Tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp khó ở tiêu chí thu nhập. Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, qua đánh giá sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người của xã Ia Mơ Nông mới chỉ đạt 37 triệu đồng. Năm nay, bên cạnh đại dịch Covid-19 thì bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò bùng phát đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Vì vậy, xã rất khó hoàn thành tiêu chí thu nhập. Bên cạnh đó, đến nay, Chính phủ chưa ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cấp xã, huyện nên việc triển khai còn lúng túng. Mặt khác, Trung ương vẫn chưa phân bổ trực tiếp nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM dẫn đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chậm so với kế hoạch.  

 

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò bùng phát khiến nhiều nông dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập. Ảnh: Đức Thụy
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò bùng phát khiến nhiều nông dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập. Ảnh: Đức Thụy


Đến chỉ tiêu bảo hiểm y tế

Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã tác động đến quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đặc biệt là đối với tiêu chí y tế. Theo Quyết định số 861, Gia Lai giảm 18 xã khu vực III, giảm 78 xã khu vực II so với trước đây, kéo theo hơn 271 ngàn người không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Trong khi đó, để hoàn thành tiêu chí y tế, các xã phải đạt tỷ lệ người dân mua thẻ BHYT từ 85% trở lên. Ông Huat-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng O Đất (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho biết: “Trước đây, hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong làng đều được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Từ tháng 7 năm nay, người dân không được hỗ trợ nữa. Hiện đời sống của dân làng còn nhiều khó khăn nên việc vận động bà con tự mua BHYT là vấn đề nan giải”.

Theo ông Lê Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), hiện nay, một số làng không còn thụ hưởng chính sách cấp thẻ BHYT. Ủy ban nhân dân xã đang tập trung vận động người dân tự mua BHYT và tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí để các cấp thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021.

 Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của cây mía tại xã Lơ Ku - Ảnh Nguyễn Diệp
Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của cây mía tại xã Lơ Ku (huyện Kbang). Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn tại huyện Kbang, giai đoạn 2016-2020, cả 6 xã: Đak Rong, Krong, Lơ Ku, Đak Smar, Kon Pne và Kông Lơng Khơng đều là xã vùng III có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 6-2021, tất cả 6 xã đều ra khỏi vùng III nên nhiều chế độ chính sách bị cắt giảm, trong đó có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho hay: “Huyện đang rà soát tất cả tiêu chí đã đạt và chưa đạt, chỉ ra nguyên nhân cụ thể. Từ đó, UBND huyện sẽ đưa ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ để hoàn thành từng tiêu chí. Đồng thời, UBND huyện giao các phòng, ban phụ trách hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí như: hộ nghèo, thu nhập, y tế, giáo dục… để phấn đấu trở thành huyện NTM trong thời gian tới”.

Trao đổi P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và giá các mặt hàng nông sản chủ lực bấp bênh khiến thu nhập người dân không ổn định. Cùng với đó, việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng đến một số tiêu chí như: y tế, trường học.

 “Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang tập trung hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Tập trung huy động nguồn lực xây dựng NTM, nhất là kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kết nối hệ thống giao thông liên xã, huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất các sở, ngành rà soát, đánh giá các tiêu chí phụ trách, từ đó có giải pháp hỗ trợ các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc… Đối với những địa phương bị vướng về chỉ tiêu mua BHYT thì Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ tổng hợp xin ý kiến UBND tỉnh để có hướng giải quyết trong thời gian tới”-ông Huyền cho biết thêm.       

 

NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm