Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Xây dựng nông thôn mới thay đổi diện mạo buôn làng Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 3 năm qua (2016-2018), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, trong 3 năm (2016-2018), các địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; huy động người dân, doanh nghiệp và các đơn vị trên địa bàn cùng chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, chỉ riêng trong 2 năm (2016-2017), toàn tỉnh đã có 28 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh lên 49 xã, đạt 26,63% số xã và đạt hơn 61% so với kế hoạch đến năm 2020. Bên cạnh đó, đến nay, toàn tỉnh có 6 xã đạt 15-18 tiêu chí, 27 xã đạt 10-14 tiêu chí và 101 xã đạt 5-9 tiêu chí. Đặc biệt, TP. Pleiku đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017.
 Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Đak Pơ. Ảnh: N.D
Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Đak Pơ. Ảnh: N.D
Cũng trong 3 năm (2016-2018), hạ tầng nông thôn tiếp tục được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Đến nay, có 86/184 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 24 xã so với năm 2015; 155/184 xã đạt tiêu chí thủy lợi, tăng 21 xã; 175/184 xã đạt tiêu chí điện thắp sáng. Đáng chú ý là các địa phương đã huy động được hơn 1.121 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các mô hình sản xuất rau an toàn, quản lý dịch hại trên cây hồ tiêu, sản xuất cà phê bền vững, tái canh cà phê. Song song với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các địa phương đã đăng ký 104 dự án từ cấp tỉnh đến huyện và xã có sự cam kết của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất-tiêu thụ theo hướng bền vững.
Ông Lê Văn Thành (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) phấn khởi cho biết: “Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều. Người dân được thụ hưởng từ cơ sở hạ tầng nông thôn đến phương thức sản xuất mới theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm làm ra”.
Ông Trần Văn Văn-cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho hay: “3 năm qua, các cấp, các ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Các xã đã rà soát đánh giá thực trạng để xây dựng lộ trình đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới. Thực hiện Chỉ thị số 12/CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, các địa phương đang tập trung triển khai xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nguyễn Diệp
------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH

Có thể bạn quan tâm