(GLO)- Xây dựng xã hội học tập là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, đặc biệt tại khu vực biên giới, hải đảo. Để làm tốt nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký kết chương trình “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” trên khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2018-2025 với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Tại tỉnh Gia Lai, Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai và Đồn Biên phòng 2 xã Ia O, Ia Chía là những đơn vị đầu tiên tổ chức lễ ký kết chương trình “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” trên khu vực biên giới giai đoạn 2018-2025 với những nhiệm vụ như: đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tổ chức điều tra lại thực trạng người mù chữ, tái mù chữ để mở các lớp xóa mù; vận động người dân tham gia các lớp phổ biến kiến thức về khuyến nông, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới... tại các trung tâm học tập cộng đồng; gắn công tác giáo dục với xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, làng, gia đình văn hóa...
Lãnh đạo Sở GD-ĐT và huyện Ia Grai tặng hoa chúc mừng Phòng GD-ĐT huyện, Đồn Biên phòng Ia O, Ia Chía tại lễ ký kết mới đây. Ảnh: N.G |
Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT: “Đây là chương trình có ý nghĩa về nhiều mặt, trong đó, ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến những lợi ích mà học sinh vùng biên được thụ hưởng. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động thực hiện ký kết chương trình này để góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế-xã hội vùng biên”. |
Ông Lê Ngọc Quý-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Với 8 giải pháp cụ thể trong chương trình ký kết, tôi tin rằng công tác xây dựng xã hội học tập tại huyện biên giới Ia Grai sẽ có bước chuyển biến tích cực. Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền các xã biên giới quan tâm sát sao tới công tác này, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đoàn thể địa phương và nhân dân trong việc xây dựng xã hội học tập”. Còn Trung tá Ngôn Ngọc Cương-Đồn trưởng đồn Biên phòng xã Ia Chía thì cho rằng, chương trình ký kết sẽ góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết keo sơn giữa các đơn vị bộ đội và trường học cũng như chính quyền địa phương; tạo điều kiện tối đa cho lực lượng bộ đội Biên phòng chung tay huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, nhất là trong cộng đồng dân tộc thiểu số. “Giáo dục là công tác quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình như: “Nâng bước em tới trường”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Chia sẻ với thầy-cô giáo”... Bên cạnh đó, tổ chức cho học sinh tham quan cột mốc biên giới để giáo dục tình yêu quê hương và nâng cao ý thức bảo vệ đất nước; phối hợp nhân rộng các mô hình học tập cộng đồng, nâng cao nhận thức cho bà con vùng biên”-Trung tá Cương cho biết.
Chương trình “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” trên khu vực biên giới hiện đang được các đơn vị trường học hào hứng đón nhận với mong muốn chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Thầy Nguyễn Duy Tân-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O) nói: “Từ trước đến nay, chúng tôi cũng đã nhận được sự giúp sức tích cực của bộ đội biên phòng trong việc huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số, hỗ trợ học sinh khó khăn... Do đó, chúng tôi coi chương trình ký kết này là cơ sở pháp lý để các bên có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong mọi hoạt động”. Cô giáo Trần Thị Tình (giáo viên Trường Mầm non 8/3, xã Ia Chía) phấn khởi bày tỏ: “Gần 14 năm gắn bó với trường, lớp vùng biên giới, tôi được chứng kiến lòng nhiệt huyết dành cho học sinh vùng khó của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Tôi trân trọng sự đóng góp ấy và tin rằng, sự gắn kết giữa bộ đội biên phòng và các trường học sẽ được thắt chặt hơn sau chương trình ký kết này”.
Theo ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, tại 2 xã Ia Chía và Ia O, dân cư phân bố không đồng đều, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên ngành GD-ĐT cũng gặp nhiều trở ngại trong việc vận động, duy trì sĩ số học sinh. “Sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương trong chương trình ký kết “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” trên khu vực biên giới giai đoạn 2018-2025 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hơn 4.300 học sinh vùng biên trên địa bàn, trong đó có hơn 67% học sinh dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các lớp phổ biến kiến thức khuyến nông, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi sẽ được phổ biến tới tận thôn, làng, giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất, từ đó cải thiện và nâng cao đời sống”-ông Đại kỳ vọng.
NGUYỄN GIANG