(GLO)- Cách đây 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tạo tiền đề cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ trương đúng đắn
Theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sư Việt Nam, sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm đánh giá tình hình và xem xét dự thảo kế hoạch Đông Xuân 1967-1968. Tháng 6-1967, Bộ Chính trị tiếp tục họp bàn về kế hoạch chiến lược này. Bộ Chính trị nhận định: Thắng lợi của quân và dân ta đã làm thất bại về cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Hội nghị nhận định tình hình cho phép ta “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”.
Khẩu đội 1 phòng không đơn vị chiến thắng Bắc Quảng Nam đã lập công xuất sắc trong trận Lỗ Gián (Hòa Đa) ngày 9-2-1968, góp phần bắn rơi 4 máy bay Mỹ (ảnh tư liệu). |
Từ ngày 20-10 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Trên cơ sở phân tích tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị quyết định một phương thức tấn công mới có hiệu lực cao là nhằm vào các mục tiêu hiểm yếu, huyết mạch của kẻ thù đúng vào năm nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị của Mỹ: bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới, vào thời điểm bất ngờ là Giao thừa Tết Mậu Thân… Tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi đến quyết định động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam lên một bước cao hơn là tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Mục tiêu chiến lược được đưa ra khá cụ thể với nhiều nội dung nhưng cốt lõi vẫn là tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bẻ gãy ý chí xâm lược của Mỹ. Khẩu hiệu của khởi nghĩa là: “Độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất, chấm dứt chiến tranh xâm lược; đế quốc Mỹ phải rút quân về nước, chủ quyền thuộc về người Việt Nam”.
Căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã hoàn thiện phương án tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Theo đó, thời điểm tổng tấn công và nổi dậy nhằm vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968.
Tiếng súng đêm giao thừa
Để cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đảm bảo thắng lợi, trước đó, ta đã sử dụng đòn nghi binh đạt đến trình độ nghệ thuật quân sự rất cao. Vào đêm 20-1-1968, trước tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tấn công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh căn cứ trọng yếu này, Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn ra khu vực đường 9 để đối phó.
Trong khi địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã bất ngờ đồng loạt tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, Huế, các thành phố, thị xã, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn bị tạm chiếm.
Tại Sài Gòn-Gia Định, quân ta tập kích vào các cơ quan đầu não của địch như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh…Trong 1 tháng liên tục tấn công và nổi dậy, riêng tại mặt trận Sài Gòn-Gia Định và các vùng phụ cân, quân và dân ta đã tiêu diệt 30 ngàn tên địch (trong đó có 14 ngàn lính Mỹ); diệt gọn 8 tiểu đoàn, 42 đại đội; bắn rơi, phá hủy 400 máy bay, phá hủy 500 xe quân sự, 12 tàu và xuồng chiến đấu; san bằng 70 đồn bốt; giải phóng nhiều vùng rộng lớn ngay sát thành phố và căn cứ lớn của địch. Với tinh thần anh dũng và quả cảm, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch và làm chủ cố đô Huế trong vòng 25 ngày đêm. Riêng tại Pleiku, trong đêm Giao thừa, quân ta đồng loạt tấn công vào các cơ quan đầu não, kho tàng của địch như: Nhà lao Pleiku, Ty Ngân khố, Tỉnh đoàn Bảo an, Tòa hành chính… Đặc biệt, quân ta đánh vào Nhà lao Pleiku giải phóng hàng trăm cán bộ cách mạng đang bị giam cầm tại đây.
Theo thông cáo của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, chỉ trong năm 1968, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên địch; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; tiêu diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu…
Bước ngoặt lịch sử vĩ đại
Theo các nhà nghiên cứu, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không chỉ ảnh hưởng đến cục diện chiến trường miền Nam lúc bấy giờ mà còn có tác động đến lịch sử nước Mỹ. Theo cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị”. Do đó, sau sự kiện này, dư luận thế giới và nhân dân Mỹ ngày càng phản đối chiến tranh tại Việt Nam quyết liệt hơn, buộc Nhà trắng phải xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973. Đặc biệt, trước áp lực từ dư luận Mỹ, Tổng thống Johnson tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.
Giáo sư Sử học Larry Berman: “Tết Mậu Thân là một bước chuyển mang tính quyết định, chấm dứt leo thang chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ sử dụng cụm từ “khủng hoảng lòng tin”. Cuộc tấn công bộc lộ cho người Mỹ thấy rằng, toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá”. |
Đề cập đến ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, trong bài viết nhân kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường; xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Duy Lê
Bài viết có tham khảo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.