Xuất hiện loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sở Y tế TP.Đà Nẵng ngày 21-9 cho biết dịch bệnh đang bùng phát phức tạp tại địa phương với 5 “điểm nóng” bệnh sốt xuất huyết và 83% xã, phường có bệnh tay chân miệng với gần 2.800 bệnh nhân.
 

 Phun thuốc phòng chống dịch tại TP.Đà Nẵng.
Phun thuốc phòng chống dịch tại TP.Đà Nẵng.

Hiện toàn TP.Đà Nẵng ghi nhận 2.772 ca mắc bệnh tay chân miệng (1 ca tử vong tại Q.Cẩm Lệ), gấp 6,62 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Dịch bệnh tay chân miệng có rải rác ở 46/56 xã, phường, 27 ổ dịch liên quan đến trường học và 154 ổ dịch tại cộng đồng.

Bệnh sốt xuất huyết có 97 ca, tăng 67,24% so với cùng kỳ 2011, có 7 ổ dịch nhỏ tại cộng đồng và đặc biệt là 5 điểm “nóng” về bệnh sốt xuất huyết ở P.Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Thuận Phước (Q.Hải Châu), Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ) và xã Hòa Tiến (H.Hòa Vang).

Sáng 20-9, UBND TP.Đà Nẵng họp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện về việc tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết trên địa bàn.

Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã xuất hiện loài muỗi Aedes albopictus (còn gọi là muỗi hổ châu Á, hay muỗi rừng ban ngày). Đây là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm, thường sống ở bụi cây, đám cỏ ngoài nhà và có khả năng truyền vi rút qua trứng (trực hệ).

Ông Chiến cảnh báo, vệ sinh môi trường tại các khu công nhân và sinh viên đã xuống cấp trầm trọng, đồng thời mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang cho biết thêm, dịch sốt xuất huyết tại miền Trung đang gia tăng theo chiều hướng khó kiểm soát.

Hiện có tổng cộng hơn 4.140 ca mắc bệnh trên 11 tỉnh, thành với 4 ca tử vong ở Bình Thuận và Bình Định.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm