Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28.1.1941, Bác Hồ đã trở về Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng.
Thời cơ quan trọng của Cách mạng Việt Nam
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) năm nay là tròn 80 năm ngày Bác Hồ trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (28.1.1941 - 28.1.2021).
Ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định, sự kiện Bác Hồ về nước là thời cơ quan trọng của Cách mạng Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, thời điểm trước khi Bác Hồ về nước, tình hình thế giới đã có nhiều biến động đáng chú ý. Thời điểm này, Chiến tranh Thế giới thứ 2 diễn ra ngày càng ác liệt. Cụ thể, tháng 6.1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp, chỉ một vài ngày sau Chính phủ Pháp phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Ở Đông Dương, Thực dân Pháp lúc này đã quay ra đàn áp phong trào cách mạng ở các thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng nói về việc Bác Hồ về nước là thời cơ quan trọng của cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.Vương |
Đến tháng 9.1940, quân đội Nhật kéo vào nước ta. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp, Nhật được đẩy lên đỉnh điểm. Cuối năm 1940, cách mạng trong nước bị tổn thất hết sức nặng nề sau Khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23.11.1940). Trước tình thế “một cổ hai tròng”, mẫu thuẫn dân tộc ngày càng diễn ra gay gắt nên sự trở về của Bác lúc này là rất cần thiết và quan trọng để khôi phục tổ chức Đảng.
Nhận thấy được thời cơ đã đến nên ngay khi còn ở Trung Quốc, Bác Hồ đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Bác Hồ đã nhận định đây chính là “thời cơ”, và tìm mọi cách để trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước và ở tại Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ảnh: Tư liệu. |
“Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết"
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, ngay sau khi về nước, Bác đã triệu tập và tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa I) họp từ ngày 10 đến 19.5.1941 tại Pác Bó (Cao Bằng). Tại Hội nghị, Bác nhận định phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Khẩu hiệu khi đó đề ra là “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”.
Chủ trương thứ hai của Bác là quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp tất cả các giới đồng bào yêu nước, quy tụ về một mối.
Hình thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành thắng lợi, mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa.
"Từ những chủ trương đúng đắn trên, Cách mạng Việt Nam đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" - ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Phúc, sự kiện Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (ngày 28.1.1941) đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Người. Đó là tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo của vị lãnh tụ thiên tài, đã tạo ra bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam.
https://laodong.vn/thoi-su/80-nam-bac-ho-ve-nuoc-buoc-ngoat-to-lon-cho-cach-mang-viet-nam-874996.ldo
Theo PHẠM ĐÔNG - LAN NHI (LĐO)