Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-12, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 17 điểm cầu cấp huyện. Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun HBút, đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Nhiều kết quả nổi bật

Trong năm 2022, các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 564 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 333 mô hình tập thể, 229 điển hình cá nhân. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp lựa chọn, giới thiệu 13 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực để Ban Dân vận Trung ương tổng hợp giới thiệu, phổ biến.     

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Anh Huy


Cùng với đó, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân ngày càng đi vào nền nếp. Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện thường xuyên công tác dân vận, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong năm, toàn tỉnh đã tiếp 2.958 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; tiếp nhận và xử lý 1.792 đơn kiến nghị, phản ánh. Đến nay, đã giải quyết xong 1.661 vụ việc/1.792 nội dung đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, còn 131 vụ việc đang giải quyết.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Quý Thọ cho biết: Trong năm, Thanh tra tỉnh và Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại tỉnh được UBND tỉnh giao đề xuất xử lý 10 vụ khiếu nại, tố cáo. Hầu hết vụ việc được giao đều hoàn thành đúng thời hạn và được UBND tỉnh cũng như các cơ quan liên quan thống nhất hướng đề xuất xử lý. “Trong quá trình giải quyết đơn, các đoàn xác minh đã chú trọng bám sát cơ sở, kiểm tra thực tế, tiếp xúc, đối thoại để làm rõ nội dung và yêu cầu, nguyện vọng của công dân. Việc đối thoại được tiến hành công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích và hướng dẫn cho công dân thực hiện đúng chính sách pháp luật nói chung cũng như quyền và nghĩa vụ khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo nói riêng. Qua đó, giúp công dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy của quy chế tiếp công dân; một số trường hợp công dân tự nguyện xin rút đơn”-Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết thêm.

Trong năm, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận. Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh cho biết: “Những năm qua, Báo Gia Lai đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phân công phóng viên theo dõi ngành, lĩnh vực, bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin để phản ánh kịp thời các hoạt động dân vận. Đồng thời, duy trì, phát huy tốt mối quan hệ phối hợp giữa Báo Gia Lai với các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong trao đổi, nắm bắt thông tin để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Năm 2022, Báo Gia Lai đã đăng tải hơn 400 tin, bài, clip về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Các ngành chức năng luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với cấp ủy, chính quyền ngày càng gắn bó. Đến nay, toàn tỉnh có 1.307 đảng viên là người theo tôn giáo (chiếm 1,9% tổng số đảng viên toàn tỉnh).  

Trong khi đó, các đơn vị lực lượng vũ trang đã tham gia củng cố 332 chi bộ, 115 tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và giúp dân 37.792 ngày công lao động. Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Đơn vị duy trì, phát huy hiệu quả 7 cán bộ Biên phòng tăng cường xã và 48 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; phân công 194 đảng viên phụ trách 812 hộ dân trên khu vực biên giới. Cùng với đó, các đơn vị trong lực lượng Biên phòng tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; duy trì thường xuyên và hiệu quả 65 tổ tự quản, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” nhận giúp đỡ 258 cháu có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận

Tại hội nghị, có 10 ý kiến tham gia thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới. Ông Đinh Ơng-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-thẳng thắn nhìn nhận: “Việc chỉ đạo xây dựng quy chế của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chậm, chưa triển khai toàn diện công tác dân vận theo quy chế; còn nhầm lẫn giữa quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị với quy chế hoạt động của khối dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở”. Để nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, ông Ơng đề xuất: Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận...

Cán bộ xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) tuyên truyền cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Cán bộ xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) tuyên truyền cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Ngọc Minh


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn biểu dương, ghi nhận những kết quả trong công tác dân vận và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị hệ thống dân vận chuyên trách tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân đối với công tác dân vận và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; đổi mới tư duy, phương pháp làm công tác dân vận theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; tăng cường sâu sát cơ sở và tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong việc động viên, cổ vũ, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát phương châm “Tỉnh nắm xã; huyện nắm thôn, làng và xã nắm hộ dân”; hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở và Mặt trận, đoàn thể tiếp tục duy trì phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, quan tâm đến công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, hệ thống dân vận ở các địa phương cần phối hợp với các cấp chính quyền để quản lý, nắm bắt, theo dõi tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

 

ANH HUY 

Có thể bạn quan tâm