Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Gương sáng "tốt đời-đẹp đạo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện phương châm sống “tốt đời-đẹp đạo”, đồng bào theo đạo Công giáo và Tin lành đã góp phần cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai ra sức lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Phát huy tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, nhiều cơ sở tôn giáo thuộc đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Ông Thái Hùng Mạnh-Trưởng ban chức việc giáo xứ Ngô Sơn (huyện Chư Păh) cho hay: Bà con trong giáo xứ luôn đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Đặc biệt, giáo dân còn tự nguyện góp ngày công và hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; ủng hộ ngày công và gần 300 triệu đồng xây dựng được 4 căn nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo; ủng hộ trên 200 triệu đồng giúp hộ nghèo và học sinh vượt khó trên địa bàn.

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Siu Trung trao bằng khen cho các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo. Ảnh: Thanh Nhật
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Siu Trung trao bằng khen cho các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo. Ảnh: Thanh Nhật


Hàng năm, giáo xứ Hoàng Yên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) có trên 95% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”. Qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà con giáo dân đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động cùng với người dân địa phương làm đường bê tông nông thôn. Đồng thời, giáo dân còn đóng góp hơn 100 triệu đồng đầu tư lắp bóng điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm... Phát huy tinh thần tương thân tương ái, giáo dân ủng hộ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng; duy trì quỹ học bổng hỗ trợ hàng năm cho học sinh nghèo với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng.

Một trong những địa chỉ nhân đạo tiêu biểu tại TP. Pleiku là Tu viện Phao Lô Thiên Ân (xã Chư Á), nơi có nữ tu Nguyễn Thị Kim Chi đứng ra thành lập cơ sở từ thiện mang tên “Mái ấm Thiên Ân”. Tại đây, hàng trăm trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được các nữ tu tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc toát lên từ bàn tay dịu hiền của các xơ, các bảo mẫu mỗi ngày như những người mẹ lặng thầm ươm mầm xanh tương lai cho xã hội. Nữ tu Nguyễn Thị Kim Chi bộc bạch: “Mặc dù việc nuôi dưỡng các cháu vô cùng vất vả, nhưng với tinh thần dấn thân phục vụ nên tập thể các xơ, các bảo mẫu luôn dành tình cảm và sự chia sẻ tình thương yêu với niềm hy vọng là bù đắp phần nào sự thiệt thòi, giúp các cháu vượt qua sự mặc cảm để hòa nhập, vươn lên”.

Chi hội Tin lành Plei Khưn (Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam, đứng chân tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) hiện có hơn 1.500 tín hữu người dân tộc Jrai sinh sống tại 3 làng Plei Ngó, Plei Khưn, Plei Ngol cùng sinh hoạt đạo. Nhiều năm là cá nhân điển hình trong đồng bào theo đạo nơi đây, ông Sơl luôn chịu khó học hỏi, nâng cao nhận thức cùng với mục sư và Ban chấp sự hướng dẫn bà con tín hữu sinh hoạt tôn giáo; nhắc nhở, giải thích cho bà con tín hữu hiểu và nâng cao nhận thức, chấp hành tốt quy định pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” do Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam đề ra.

Bà Mai Thị Lựu-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Trà Bá-cho biết: “Ông Sơl phối hợp cùng các đoàn thể vận động dân làng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia ủng hộ kinh phí để làm đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Ông còn đi đầu vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống, giữ vệ sinh môi trường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no”.

 Được sự quan tâm của địa phương, bộ mặt đời sống của đồng bào có đạo tại các vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.Ảnh: Thanh Nhật
Được sự quan tâm của địa phương, bộ mặt đời sống của đồng bào có đạo tại các vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Ảnh: Thanh Nhật



Quản nhiệm Chi hội Tin lành Kông Brech ở xã A Dơk (huyện Đak Đoa), mục sư Uyên thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhắc nhở bà con tín hữu dân tộc thiểu số phải giữ đất sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống. Bên cạnh đó, ông cùng tập thể ban chấp sự hướng dẫn bà con thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với xây dựng nông thôn mới; kịp thời tham gia giải quyết những vụ việc liên quan an ninh nông thôn, vấn đề đất đai.

Theo ông Đinh Ơng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa: “Mục sư Uyên là cá nhân tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo trên địa bàn huyện. Ông nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen vì đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm