(GLO)- Không chỉ là cầu nối ý Đảng-lòng dân, là sợi dây gắn kết cộng đồng, đội ngũ người có uy tín của huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) còn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, họ còn nhiệt tình hỗ trợ giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Ghé thăm 3 ha rẫy của gia đình ông Đinh Ueng-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Plei Trớ (xã Chư A Thai), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vườn ớt xanh tốt, sai quả xen canh với cây điều. Ông Ueng cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích rẫy của gia đình trồng mì nhưng vì sâu bệnh nên năng suất thấp, mỗi năm chỉ thu về khoảng 10 triệu đồng/ha. Sau khi tham gia tập huấn và tham quan một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, năm 2018, ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng điều. Ông thuê người khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để vừa tiết kiệm thời gian, sức lao động vừa tăng năng suất cây trồng. Lấy ngắn nuôi dài, ông xen canh các cây trồng ngắn ngày như ớt, bắp, đậu phộng trong vườn điều để có thêm thu nhập. “Cứ khoảng 2-3 ngày, tôi thu hoạch 50 kg ớt. Với giá bán 21.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 10 triệu đồng/tháng. Vụ tới, khi cây điều cho thu hoạch ổn định, gia đình sẽ có nguồn thu nhập khá hơn”-ông Ueng cho hay.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Ueng tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ lúa rẫy, mì sang trồng lúa nước, điều cao sản để tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Nhờ ông Ueng hướng dẫn, hỗ trợ giống, anh Siu Yối đã chuyển đổi 2 ha lúa rẫy sang lúa nước. Anh Yối chia sẻ: “Nếu như trước đây, 1 ha lúa rẫy, tôi chỉ thu được khoảng 30 bao thì từ khi chuyển sang lúa nước, gia đình thu về gần 100 bao. Nhờ vậy, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Hiện nay, gia đình đã thoát nghèo”. Cũng theo anh Yối, cùng với gia đình anh, ông Ueng còn giúp 6 hộ khác trong thôn thoát nghèo.
Ông Đinh Ueng (thôn Plei Trớ, xã Chư A Thai) trồng xen cây ớt trong vườn điều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyên Hương |
Cũng là người tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, ông Ksor Nít-người có uy tín ở buôn Ling (xã Ia Hiao) đã giúp nhiều hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Dù đã bước sang tuổi 62 nhưng ông vẫn canh tác 2,5 ha lúa, 2 ha mì, chăn nuôi 2 con heo nái và 5 con bò. Mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình ông trên 150 triệu đồng. Ông chia sẻ: Thay vì các giống lúa truyền thống trước đây, gia đình sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, OM19… Đây là những giống lúa không chỉ có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất vượt trội mà còn được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao.
Được ông Nít hướng dẫn kỹ thuật, anh Siu Vu bắt đầu xuống giống mì vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 9, sau đó trồng 2 vụ bắp nối tiếp nhau. “Với 3 sào bắp lai trồng gối vụ, tôi thu về 10 triệu đồng/vụ, nâng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích lên cao hơn gấp 3 lần so với trước đây. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống”-anh Vu bộc bạch.
Ông Ksor Nít (buôn Ling, xã Ia Hiao) tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyên Hương |
Theo ông Rcom Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cùng với việc tuyên truyền người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cư trú, đội ngũ người có uy tín trong huyện còn tiên phong đi đầu và luôn tích cực vận động bà con tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Các ông Đinh Ueng, Ksor Nít là những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây là 2 trong số 10 người có uy tín được khen thưởng tại hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2022.
NGUYÊN HƯƠNG