Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chư Sê ưu tiên tín dụng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Chư Sê đang tập trung giải ngân các nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho các xã và thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.   
Ngày 14-11-2022, UBND huyện Chư Sê đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Kế hoạch xác định ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các xã và thôn, làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, huyện đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể năm 2022 như: giảm 3% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết cho khoảng 14% số hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; phấn đấu 45,8% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề và 81,2% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn sau khi học nghề.
Thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê đã chủ động phối hợp với Phòng Dân tộc triển khai rà soát đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tham mưu giúp UBND huyện phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chương trình cho vay hỗ trợ làm nhà ở, cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề để làm cơ sở cho vay.
Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê làm thủ tục giải ngân cho người dân tại phiên giao dịch ở xã Hbông. Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê làm thủ tục giải ngân cho người dân tại phiên giao dịch ở xã Hbông. Ảnh: Sơn Ca
Là một trong những hộ được vay vốn chuyển đổi nghề trong năm nay, ông Siu Sát (làng Ia Pết, xã Ia Pal) cho hay: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, gia đình tôi được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện vay vốn để chăn nuôi bò. Hội Nông dân, tổ vay vốn cũng sẽ hướng dẫn tôi về kỹ thuật chăn nuôi bò để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn”. Cũng với tâm thế phấn khởi khi sắp được hỗ trợ an cư, ông Siu Thái (làng Tai Glai, xã Ia Ko) cho biết: “Mấy năm nay, gia đình tôi sống trong căn nhà dột nát. Được chính quyền tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ làm nhà ở, tôi mừng lắm. Sau khi nhận được tiền vay, tôi sẽ mua vật liệu để sửa chữa căn nhà. Phần còn thiếu, gia đình sẽ gom góp thêm”.
Căn cứ vào Kế hoạch số 216/KH-UBND, các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hữu Thiện-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Pal-thông tin: “Trong tháng 12 này, xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai nội dung hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề sang chăn nuôi cho người dân 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng thụ hưởng. Trong đó, làng Ia Pết đang được xã chọn xây dựng làng nông thôn mới. Do đó, xã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho làng này. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân cho thấy, bà con rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống”.
Theo Dự án 1 thuộc Kế hoạch số 216/KH-UBND, trong năm 2022, huyện Chư Sê hỗ trợ nhà ở cho 35 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 90 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 18 hộ. Liên quan đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn của 3 chương trình thuộc Dự án 1, ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-cho biết: “Ngay sau khi UBND huyện ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND, chúng tôi phối hợp với Phòng Dân tộc và UBND các xã, thị trấn nằm trong vùng dự án rà soát danh sách đối tượng thụ hưởng, tổ chức giải ngân nguồn vốn cho vay đến đúng đối tượng. Tổng nguồn vốn tín dụng để thực hiện 3 chương trình hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề thực hiện năm 2022 là 10,175 tỷ đồng, tất cả dự kiến được giải ngân xong trong tháng 12 này”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm