Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nữ công nhân 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong hơn 20 năm gắn bó với cây cao su, chị Lê Thị Hồng Vân (Đội sản xuất số 6, Công ty TNHH một thành viên 74, Binh đoàn 15) có 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Không chỉ khai thác mủ cao su giỏi, chị còn giúp đỡ các công nhân người dân tộc thiểu số vươn lên.
Chúng tôi gặp chị Vân trong một ngày cuối tháng 12-2022, khi chị vừa tham dự lễ vinh danh lao động giỏi, lao động sáng tạo do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội. “Hơn 20 năm gắn bó với cây cao su, tôi đã trải qua những thăng trầm của nghề cạo mủ. Chính cây cao su đã cho tôi cuộc sống ấm no như ngày hôm nay”-chị Vân tâm sự.
Chị Vân quê ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Năm 1999, khi vào thăm người thân tại huyện Đức Cơ, thấy nghề cạo mủ cao su được nhiều người yêu thích nên chị quyết định chọn mảnh đất này để lập nghiệp. Bằng sự nỗ lực của mình, chị đã đạt được nhiều thành tích mà ít người thợ cạo mủ trong Binh đoàn sánh được. Hiện nay, chị nhận khoán 3,4 ha cao su. Sản lượng chị được giao khoán là 4.515 kg. Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng thực tế đạt 5.444 kg.
Nói về công việc của mình, chị Vân cho biết: “Thực hiện tốt các quy trình trong khai thác là yếu tố quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch. Chính vì thế, từ khâu chăm sóc vườn cây, thực hiện thiết kế đến làm máng che chắn nước mưa, các loại trang bị và mở miệng cạo phải tuân thủ đúng quy trình. Trong khai thác, cần chú ý đến từng cây cạo, đường cạo, đảm bảo vuông tiền, vuông hậu, đây là vị trí sẽ cho nhiều mủ nhất. Cùng với đó, phải coi cây cao su của đơn vị như tài sản của gia đình mình để chăm sóc, theo dõi và phòng trừ các loại nấm; tận thu từng giọt mủ, mủ dây, mủ tạp, mủ tráng thùng để nâng cao sản lượng cho đơn vị”.
Chị Lê Thị Hồng Vân được Binh đoàn 15 tuyên dương công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chị Lê Thị Hồng Vân được Binh đoàn 15 tuyên dương công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Không chỉ cạo mủ giỏi, chị Vân còn luôn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là công nhân dân tộc thiểu số để họ cùng tiến bộ, có thu nhập cao. “Lúc mới vào làm công nhân, mình cũng chưa am hiểu kỹ thuật. Nhưng được mọi người hướng dẫn và trải qua quá trình tự học, mình vững vàng hơn. Chính vì thế, việc giúp các công nhân mới được tuyển dụng, công nhân là người dân tộc thiểu số vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm. Nếu tất cả cùng tiến bộ thì nhiệm vụ của đơn vị sẽ hoàn thành tốt”-chị Vân trải lòng.
Đối với mô hình gắn kết hộ của đơn vị, chị Vân giúp đỡ gia đình ông Rơ Mah Che (thôn Đoàn Kết, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ông Rơ Mah Che chia sẻ: “Trước đây, nhà mình có rẫy điều nhưng năng suất thấp. Từ khi gắn kết hộ, chị Vân thường xuyên đến nhà hướng dẫn mình trồng điều, giúp rào vườn, chỉ cách trồng rau xanh, nuôi gà để có cuộc sống khấm khá hơn. Việc nhà mình, chị cũng coi như việc của nhà chị”.
Bên cạnh đó, chị Vân còn tích cực phát triển kinh tế gia đình để có cuộc sống sung túc hơn. Hiện nay, gia đình chị có hơn 1,5 ha điều, 1,5 ha cà phê. Mỗi năm, ngoài tiền lương cạo mủ cao su, chị còn thu nhập hơn 250 triệu đồng từ tăng gia sản xuất.
Thượng tá Nguyễn Hồng Lam-Giám đốc Công ty 74-cho biết: Chị Lê Thị Hồng Vân là một trong những công nhân tiêu biểu của Công ty và của Binh đoàn. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chị còn luôn tận tình hướng dẫn các công nhân khác cùng tiến bộ. Năm 2022, chị được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 xét chuyển đặc cách thành công nhân quốc phòng.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, chị Vân có 15 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó, năm 2017, chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Ngoài ra, chị còn nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm