Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Bác Giáp là vị tướng huyền thoại của Nhân dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là lời khẳng định chắc nịch của bà Rơ Chăm H'Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Gia Lai khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần nhắc nhớ đến người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng bà lại trào dâng niềm bồi hồi xúc động.

1. Khi tôi đến thăm, trong căn nhà nhỏ ở 03 Nguyễn Hữu Huân (TP. Pleiku), bà H'Yéo đang chăm chú lật giở từng trang sách. Bà tươi cười chia sẻ: “Cuốn “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp” này tôi được đồng chí Phạm Tu ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng lúc họp Ban Thường vụ Trung ương Hội ngoài Hà Nội hồi tháng 5-2013. Quý lắm đấy!”.

 Với bà Rơ Chăm H'Yéo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại của Nhân dân. Ảnh: Mộc Trà
Với bà Rơ Chăm H'Yéo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại của Nhân dân. Ảnh: Mộc Trà


Bà H'Yéo cho hay, cuốn sách tập hợp gần 300 bức ảnh chọn lọc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp-một vị tướng tài ba, nhà cách mạng nổi tiếng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người con ưu tú của dân tộc được Nhân dân cả nước yêu mến, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Những tấm ảnh khắc họa khá đầy đủ, chân thực về cuộc đời và sự nghiệp vì nước vì dân của Đại tướng. Ngoài cuốn được tặng, năm ấy, bà H'Yéo còn mua thêm 2 cuốn nữa về trao tặng cho Chi hội Cựu chiến binh làng Lút và Hội Cựu chiến binh xã Ia Phí (huyện Chư Păh). Theo bà, tặng sách là “để dân làng xem và hiểu được cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đại tướng”.

Với bà H'Yéo, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trò chuyện cùng ông lúc sinh thời là cơ duyên, là may mắn của bà. Vậy nên, suốt cuộc đời, bà không bao giờ quên được những lần gặp gỡ ấy. Lần đầu tiên là năm 1982, khi là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai-Kon Tum, bà cùng đoàn đại biểu của tỉnh ra Hà Nội tham dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ 5. Hai lần tiếp theo là năm 1985, khi Đại tướng cùng với Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm, làm việc với tỉnh Gia Lai và hồi tháng 9-1989, khi Đại tướng lên Cửa khẩu Lệ Thanh đón quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước. “Sau lần gặp thứ ba, tôi được phóng viên Trần Duy Niên gửi tặng tấm ảnh đen trắng chụp lúc làm lễ tại sân bay, trong đó có tôi và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng vì ảnh nhỏ quá nên qua thời gian lưu giữ đã bị thất lạc”-bà H'Yéo tâm sự.

Lần cuối cùng gặp Đại tướng cũng là lần khiến bà H'Yéo nhớ nhất, bởi lúc đó bà trò chuyện cùng ông. Đó là vào năm 1998, khi bà cùng đoàn đại biểu cựu chiến binh tỉnh Gia Lai cùng tham dự kỷ niệm 30 năm Chiến dịch Mậu Thân tại Hà Nội. Bà H'Yéo kể: Sau khi hỏi quê quán rồi công việc, Đại tướng nói với tôi: “Nữ quân nhân trên cả nước thì nhiều nhưng nữ quân nhân còn tiếp tục phục vụ trong cơ quan nhà nước mà lại là người dân tộc thiểu số như đồng chí thì rất ít. Đây là điều đáng quý. Đồng chí phải tiếp tục phục vụ cho đồng bào, giúp đồng bào mình hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào cho con em đi học để biết cái chữ, biết thế giới người ta nói gì; giúp bà con làm ra nhiều lúa gạo… để dân làng bớt khó khăn”. Những lời khuyên của Đại tướng đến giờ tôi vẫn khắc ghi.

2. Tối 4-10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Viện Quân y 108 (Hà Nội) khi vừa bước sang tuổi 103. Dẫu biết rằng quy luật sinh tử không chừa một ai, song sự ra đi của vị tướng tài của dân tộc khiến hàng triệu con tim quặn thắt. Bà H'Yéo bộc bạch: Ngày 5-10, tôi đọc rất nhiều bài viết với tựa đề Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đăng tải trên các báo chính thống. Lúc bấy giờ, cả người tôi bần thần, chân tay bủn rủn. Tôi tự hỏi mình “chẳng lẽ bác Giáp mất thật rồi ư?”.  

 Bà Rơ Chăm H'Yéo cùng đoàn cựu chiến binh tỉnh Gia Lai thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình) vào năm 2016. Ảnh chụp lại: Mộc Trà
Bà Rơ Chăm H'Yéo cùng đoàn Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình) vào năm 2016. Ảnh chụp lại: Mộc Trà


Bà H'Yéo cho biết thêm, ngày hôm ấy, gia đình bà làm đám giỗ người em trai nên dân làng tập trung về khá đông. Hay tin, bà thông báo cho mọi người thì ai cũng bảo bà đừng nói bậy. “Bà con thắc mắc với tôi, người tốt như thế sao mà chết được. Tôi mới giải thích rằng, chúng ta phải chấp nhận thôi, cây kơ nia nó cũng phải khô, Đại tướng cũng giống như cây kơ nia của Tây Nguyên mình vậy, khi đã già quá, nó rụng hết lá, không hấp thụ được nước thì cũng phải khô. Nhưng mà tinh thần, tư tưởng của bác Giáp quan tâm tới đồng bào dân tộc ta thì sẽ mãi không bao giờ chết. Nói xong, tôi không kiềm được cảm xúc, mọi người cũng khóc theo và cùng nguyện cầu cho Đại tướng được nhẹ nhàng an nghỉ”-mắt bà H'Yéo nhòa đi cùng với những lời kể của mình.

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, bà H'Yéo đã 3 lần dẫn đoàn cựu chiến binh Gia Lai đến thăm viếng mộ của ông tại khu vực Vũng Chùa-Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào các năm 2014, 2015 và 2016. Ngày 10-12 vừa qua, nhân dịp dẫn đoàn người cao tuổi của tỉnh ra Hà Nội dự Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2016-2021 do Bộ Công an và Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức, bà H'Yéo cũng đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng tại nhà riêng. Với lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn, bà luôn tự hứa trước anh linh của Đại tướng sẽ thực hiện đúng những lời ông đã từng dặn dò mình lúc sinh thời. Hiện nay, dù đã 73 tuổi nhưng bà Rơ Chăm H'Yéo luôn nhiệt tình với công tác Hội, được mọi người trân quý. “Đại tướng từng nói, hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường. Vậy thì, hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là được đồng hành với hội viên, với đồng bào dân tộc thiểu số trong mọi hoạt động và cuộc sống”-bà H'Yéo bày tỏ.

 

 MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm