Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Hũ gạo tình thương: Thấm nhuần lời dạy của Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã thành thói quen, mỗi lần xay gạo xong, chị Chan (làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại lấy một ít gạo cho vào “Hũ gạo tình thương” nhằm góp phần sẻ chia với người nghèo. Là người từng trải qua những năm tháng chịu cảnh thiếu đói nên khi kinh tế bớt khó khăn, chị Chan đều rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo do địa phương tổ chức.

Chị chia sẻ: Hiện nay, với 7 sào lúa nước và hơn 1 ha mì, gia đình chị không còn thiếu đói giáp hạt như trước nữa. Thậm chí, có năm, gia đình chị còn dư thóc để bán. Chính vì vậy, khi Hội Chữ thập đỏ xã Kon Chiêng triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương”, chị nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi lần xay gạo, bản thân chị đều bớt lại một ít gạo để ủng hộ với mong muốn giúp những hộ nghèo vượt qua khó khăn.

 Bà Nguyễn Thị Hiên (bìa phải) bớt một phần gạo của gia đình để ủng hộ hũ gạo tình thương. Ảnh: Hồng Thương
Bà Nguyễn Thị Hiên (bìa phải) bớt một phần gạo của gia đình để ủng hộ hũ gạo tình thương. Ảnh: Hồng Thương



Không chỉ tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ xã Ia Pia (huyện Chư Prông) đặt hũ gạo tình thương ngay tại cơ sở xay xát của mình, bà Nguyễn Thị Hiên (làng Ngó, xã Ia Pia) còn thường xuyên lấy gạo của gia đình để ủng hộ. Khi người dân trong xã đến xát lúa, bà Hiên trở thành tuyên truyền viên tích cực chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của mô hình và vận động mọi người ủng hộ. Nhờ vậy, chỉ vài tháng, thùng gạo hơn 20 kg đã đầy, sau đó được Hội Chữ thập đỏ xã mang đi trao tặng cho người nghèo. Bà Hiên tâm sự: “Mỗi lần ủng hộ gạo, tôi thấy rất vui vì đã giúp người nghèo vơi bớt khó khăn”.

Việc chị Chan, bà Hiên tích cực hưởng ứng mô hình “Hũ gạo tình thương” làm tôi nhớ đến lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1945: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi ấy hiện vẫn tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các cấp hội, đoàn thể triển khai thực hiện bằng nhiều mô hình, hoạt động thiết thực để giúp đỡ những mảnh đời còn nhiều khó khăn. Tại Gia Lai, những mô hình như: “Hũ gạo tình thương”, “Kho thóc tình thương”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”… được triển khai ở các địa phương không chỉ giúp người nghèo, người già neo đơn vơi bớt vất vả mà còn khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng. Đây là hành động đẹp, ý nghĩa, là việc làm nhân văn, thiết thực rất cần được các cấp, các ngành, địa phương nhân rộng trong thời gian đến.

 

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm