Nhà thơ Nguyễn Chiến. Ảnh: Bùi Tiến Tuấn |
“Bàn tay mưa” (NXB Văn học, 2024) có khoảng 80 từ mưa xuất hiện trong cả tập. Tập thơ cá nhân đầu tiên có tên “Hạt sương khi nắng lên” (NXB Hội Nhà văn, 2013), chứng tỏ một mối quan tâm lớn về “sương, nắng, mưa”, nói chung là thiên nhiên, sinh thái của tác giả.
Thơ chở cái tình riêng
Nhiều tác giả ở xứ Quảng không chỉ thích “văn dĩ tải đạo”, mà còn thích cả “thi dĩ ngôn chí”, có lẽ do mối tiếp xúc khá gần với văn chương Trung Quốc/Đông Á thời trung/cận đại. Cộng với tính cách hay cãi, học để làm quan, để kinh bang tế thế, để làm quốc sự - “ngũ phụng tề phi”, nên “đạo, chí” càng được dịp đâm chồi nảy lộc trong văn chương xứ Quảng.
Thế nhưng, vẫn có số ít tác giả xứ Quảng thời cận đại đã chọn “thi dĩ duyên tình” (thơ chở cái tình riêng) để mở lối đi mới. Bước sang thế kỷ 20, cũng như càng về sau này, những tác giả “thi duyên tình” càng nhiều hơn.
Nguyễn Chiến là một tác giả khá lặng lẽ của văn chương xứ Quảng đương thời, về sau này đã chọn lối “thi duyên tình” để dấn bước. Thơ Nguyễn Chiến, trong “Bàn tay mưa”, rất ít những câu chuyện đại tự sự, rất ít bày tỏ “đạo, chí”, mà tập trung ghi lại những ấn tượng hữu tình, những cảm xúc duyên tình…
Những cảm xúc này gửi gắm qua “mưa, sương, nắng, gió”, ẩn ý những cái tình sâu xa. Như trong bài thơ “Ngôi nhà xây từ nóc”, có các đoạn:
“… đặt viên gạch thinh không/ xây ngôi nhà từ nóc/ vôi vữa là tiếng chim/ cột kèo đan sợi gió/ ngôi nhà mang đôi cánh/ bay lưng chừng ước mơ/ cửa sổ mở phía nào/ cũng trời sao lấp lánh”…
Hoặc như đoạn kết trong bài “Làng thương”: “… làng quê nay rộn tiếng xe/ ông bình vôi sứt nay về nơi đâu/ tôi ngồi xâu lại tháng ngày/ nghe mo nang rụng vào sau cơn buồn/ làng tôi làng tôi làng thương”.
Tinh thần lãng mạn
Cả tập thơ “Bàn tay mưa” của Nguyễn Chiến là những văn bản đi ra từ tính chất/tinh thần lãng mạn. Đây là đặc trưng thẩm mỹ, nhằm để chỉ những trường hợp muốn “thoát tục” - nhiều bài thơ không cần chất trữ tình hoặc triết lý, vẫn có thể thoát tục, vẫn đầy tinh thần lãng mạn.
Bìa tập thơ "Bàn tay mưa", với bút danh Chiến Nguyễn. |
Trong thi pháp về lãng mạn nói chung, “tính chất lãng mạn” độc lập với “phương thức/bút pháp lãng mạn”, độc lập với “hình thái lãng mạn”, và độc lập cả với “chất trữ tình” hoặc “chất tự sự”. Như trong tựa tập “Thơ điên”, Hàn Mặc Tử viết: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”.
Còn nhìn ở khía cạnh cấu trúc hoặc ngôn ngữ thơ, Nguyễn Chiến có thơ theo thể thức, thơ tự do, hoặc thơ kết hợp các thể thức. Về thơ theo thể thức, có thể đọc những bài như: Ngôi nhà xây từ nóc, Chợ quê, Làng thương, Góc mưa, Làng tôi, Tết người yêu cũ, Lục bát…
Về thơ tự do, có thể đọc: Đoạn cuối Thu Bồn, Ký ức mưa, Đạo thơ, Những người đẹp bước ra từ trang sách, Thơ viết cho mình… Về thơ kết hợp, có thể đọc: Nói gì với mùa đông, Trò chuyện với Tấm, Trích đoạn giấc mơ…
Dù viết theo dạng thức nào, thì Nguyễn Chiến vẫn luôn bắt đầu. Đúng hơn, anh luôn lắng nghe các cấu tứ, câu chuyện bằng tinh thần lãng mạn, đôi khi chúng rất nhỏ nhắn, mong manh, tinh tế, rất cần chú tâm mới nắm bắt được.
Như một đoạn trong bài “Tết người yêu cũ”: “người đi từ lúc chưa mưa/ con cò con sáo còn chưa có chồng/ người đi khi cải chưa ngồng/ cây mai còn nụ cây hồng đang hoa/bao năm biển rất thật thà/đổ bao nhiêu sóng vào nhà người dưng”.
Hoặc một đoạn khác, trong bài “Trò chuyện với Tấm”: “Tấm nên về cách ly trong quả thị/ ngôi nhà thơm nhốt chật những ân tình”. Nếu so với tập “Hạt sương khi nắng lên”, tinh thần lãng mạn của Nguyễn Chiến trong tập này tinh tế hơn, trầm tư hơn. Dường như có sự trẻ hóa ngược, khi mà thơ Nguyễn Chiến về sau này rung cảm, ý vị và tự do hơn.
Trong bối cảnh đời sống và cả hệ sinh thái, môi trường đang có nhiều thách thức, bí bách, đọc “Bàn tay mưa” như một cách tìm về chốn trầm tư, yên bình, lãng mạn vậy.