Multimedia

Emagazine

Bên dòng Ktung

E-magazine Bên dòng Ktung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 


Nhắc đến Tơ Tung, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Làng kháng chiến Stơr-quê hương Anh hùng Núp, từng được nhà văn Nguyên Ngọc tái hiện trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Đất nước đứng lên”. Nơi đây, những người con Bahnar chỉ với hầm chông, bẫy đá, mang cung mà có thể viết nên huyền thoại về lối đánh du kích khiến giặc Pháp phải kinh hoàng, khiếp sợ. Còn chàng trai Đinh Núp thì trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của các dân tộc Tây Nguyên trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Và với người dân Tơ Tung nói chung, Stơr nói riêng, dòng suối Ktung như một chứng nhân cho những chiến tích lịch sử đầy tự hào của buôn làng.

Hơn 11 giờ trưa, già Đinh Yom dẫn tôi đi tham quan suối Ktung như đã hẹn. Nhìn già Yom trong trang phục quần tây, áo sơ mi trắng thẳng thớm, đầu đội mũ lưỡi trai, thậm chí còn đeo cả chiếc túi da vắt chéo ngang hông như thanh niên, tôi chẳng thể tin được người đàn ông Bahnar này đã trải qua gần 90 mùa rẫy. Với tay mở rộng cánh cổng, già Yom nhìn tôi cười phân trần: “Buổi sáng, mình bận thả trâu, làm đồng. Nhà không có người đi thay nên đành phải khất nhà báo đến trưa. Tầm này trời hơi nắng nóng nhưng sẽ thấy được độ trong và mát của suối”.
 

 
 

Theo chân già Yom “băng đường” tầm 15 phút, tôi tới được suối Ktung-đoạn chảy qua làng Stơr. Quả đúng như lời già Yom nói, làn hơi nước từ dưới suối tỏa lên mát rượi xua tan cái nóng bỏng rát buổi trưa hè. Mùa này, nước đã bắt đầu vơi dần, để lộ những phiến đá to, nhỏ với nhiều hình thù. Dưới ánh mặt trời chiếu rọi, nước suối càng trở nên trong vắt, có thể nhìn thấu đáy và cả những chú cá nhỏ đang bơi tung tăng.

Già Yom cũng không rõ dòng suối Ktung hình thành tự bao giờ, chỉ biết rằng, các làng Bahnar ở Tơ Tung xưa đều quần tụ dọc theo bờ suối, mỗi làng có vài chục nếp nhà. Ngày nhỏ, ông đã theo cha mẹ ra đây bắt cá, lấy nước về dùng. Có những hôm, ông cùng bạn bè í ới vào rừng lấy củi, bẻ măng rồi thả mình bơi đùa thỏa thích dưới dòng nước Ktung mát dịu. Lớn lên, chàng trai Đinh Yom vừa tham gia du kích xã, vừa cùng dân làng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Dù nhiều lần bị địch càn quét, phải dời làng làm lại làng mới, song dân làng Stơr và già Yom vẫn gắn bó bên suối Ktung, kiên định một dạ như bản lĩnh quyết chiến, quyết thắng, không chịu khuất phục trước quân thù.
 

 


Qua đọc Lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng xã Tơ Tung (1945-2010) và lĩnh hội thông tin từ các bậc cao niên trong xã, tôi được biết, trên địa bàn Tơ Tung không có hồ tự nhiên, song nguồn nước từ các suối và mạch ngầm lại khá dồi dào. 3 con suối chính chảy qua xã có tên Ktung (Đak Tơtung), Lơ (Đak Hlơ) và Thầu Dầu (Đak Chpôu). Trong đó, Ktung là con suối có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương. Dòng Ktung bắt nguồn từ triền Đông của dãy Mang Yang (phía Tây Bắc xã Tơ Tung) chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua các làng phía Nam của xã rồi đổ vào địa phận huyện Đak Pơ. Từ đây, dòng nước tiếp tục cắt qua quốc lộ 19 tại cầu Cà Tung (cầu 24) và hòa vào sông Ba. Tính từ thượng lưu, Ktung còn có các nhánh chính là Hnhơn, Ktơ Răk và Hmăng.
 

 

Do bắt nguồn từ vùng núi có thảm rừng tự nhiên còn khá tốt nên nguồn nước suối Ktung tương đối dồi dào. Cũng chính vì thế mà năm 1976, tại nơi dòng Ktung chảy qua đầu làng Stơr và Dong (nay là làng Đak Pơ Kao), một công trình thủy lợi được hình thành để cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa nước Đê Bar rộng hơn 70 ha vừa mới được khai hoang, phục hóa. Có lẽ đây là ký ức không thể nào quên đối với ông Nguyễn Văn Đồng-người từng trực tiếp tham gia xây dựng công trình thủy lợi năm ấy.

“Ngày 7-1-1976, tôi nhận quyết định từ thị trấn An Khê đến công tác tại công trường thủy lợi Ktung (thuộc xã Nam, nay là xã Tơ Tung) với chức vụ Trưởng ban Y tế, sau là Trưởng ban Kiểm soát kỹ thuật công trình. Điểm khai hoang này do tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đầu tư vốn, phương tiện và nhân công. Lực lượng được huy động vào đây khoảng 3 ngàn người, chủ yếu là thanh niên xung phong. Mỗi người một việc, không nề hà gian khó, mọi người cùng nhau khai hoang, phục hóa gần 70 ha; ngăn dòng suối Ktung để đắp đập và làm hệ thống kênh mương thủy lợi dài khoảng 3.500 m”-ông Đồng nhắc nhớ.
 

 

Nói đoạn, ông Đồng dẫn tôi đến “mục sở thị” công trình thủy lợi Ktung. Dù đã được xây dựng lâu năm nhưng mọi thứ vẫn khá chắc chắn. Nơi đây, suối Ktung tràn qua đập dâng ầm ào chảy, thả dòng trôi về phía những ngôi làng. Phóng tầm mắt xa xa dõi theo con nước, ông Đồng kể, ngày dòng nước mát từ thượng nguồn suối Ktung theo kênh mương thủy lợi chảy về lênh láng khắp cánh đồng Đê Bar, dân làng Tơ Tung đã không giấu được sự bất ngờ. Bởi lẽ, điều mà trước đây bà con bán tín bán nghi, rằng làm thế nào để “bắt” con nước Ktung chảy về đất hoang đã trở thành hiện thực. Từ đó đến nay, thay vì trồng tỉa trên rẫy hay chọn những đám đất bằng phẳng ven suối Ktung để làm ruộng khô, bà con đã biết trồng lúa nước, đem lại năng suất và sản lượng cao hơn.

 


Nhờ hiệu quả của công trình thủy lợi Ktung, từ 70 ha lúa ban đầu, trong quá trình sản xuất, người dân địa phương đã tiếp tục khai hoang, mở rộng đồng ruộng. Hiện nay, tổng diện tích cánh đồng Đê Bar hơn 90 ha. Nhờ cánh đồng này, người dân các thôn, làng: Đak Pơ Kao, Stơr, Kuk Tung, Leng, Đồng Tâm, Nam Cao, Trường Sơn... không còn lo thiếu ăn mỗi mùa giáp hạt; trong đó có đến 80% là đồng bào Bahnar. “Tôi có 1 sào lúa trên cánh đồng Đê Bar. Vụ Đông Xuân được mùa, gia đình thu hoạch khoảng 6 tạ. Từ bao đời nay, chúng tôi luôn dựa vào nguồn nước Ktung để trồng trọt. Đây cũng chính là nguồn nước dẫn về các bể chứa do Nhà nước đầu tư đặt tại các làng để bà con sinh hoạt mỗi ngày”-bà Đinh Thị H'Rơi (làng Đak Pơ Kao) chia sẻ.

 



Trao đổi với tôi, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Trần Xuân Nam thêm một lần khẳng định tầm quan trọng của suối Ktung đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. “Bên cạnh phục vụ cho cánh đồng Đê Bar, nguồn nước Ktung còn được bà con sử dụng để tưới cho một số loại cây trồng khác dọc theo con suối, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, với ý nghĩa lịch sử và cảnh quan đẹp mắt, xã đang nghiên cứu đưa suối Ktung vào quy hoạch phát triển chuỗi du lịch lịch sử-sinh thái-cộng đồng gắn với Làng kháng chiến Stơr, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp để thu hút du khách đến với mảnh đất này”-ông Nam cho biết.
 

 

Có thể bạn quan tâm