Kinh tế

Nông nghiệp

Bệnh khảm lá sắn ở Đắk Lắk có nguy cơ lây lan diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 1.300 ha sắn tại Đắk Lắk đã bị nhiễm bệnh khảm lá và đang có nguy cơ lan rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Vụ sắn năm nay, bà Đỗ Thị Liên ở thôn 3, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk trồng gần 4 ha. Thế nhưng hơn 6 tháng qua, mặc dù gia đình bà Liên đã mua rất nhiều loại thuốc để chữa trị nhưng rẫy sắn vẫn không hết bệnh. Cả vườn sắn lá bị biến dạng, vàng loang lổ. Bà Liên cho biết, nhiều năm trồng sắn chưa năm nào gặp phải loại bệnh này.

Bệnh khảm lá sắn đang gây thiệt hại lớn cho người dân Đắk Lắk.
Bệnh khảm lá sắn đang gây thiệt hại lớn cho người dân Đắk Lắk.



“Từ ngày trồng, sắn lên rất đẹp nhưng tầm 20 ngày sau nó nổ hết lá. Gia đình đến quầy thuốc bảo vệ thực vật người ta hướng dẫn sử dụng các loại thuốc để về phun phòng chống bệnh. Gia đình phun rất nhiều đợt thuốc rồi nhưng mà đến bây giờ sắn 6, 7 tháng mà lá sắn vẫn bị nấm, cây sắn suy nhược không phát triển được”, bà Liên cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện đã có hơn 1.300 ha sắn bị bệnh khảm lá, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Súp, Krông Bông và Buôn Đôn.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp ngăn chặn lây lan của bệnh như: nhổ bỏ những cây sắn bị nhiễm bệnh, tiến hành cày xới, xử lý đất, phun thuốc diệt bọ phấn trắng, tiêu hủy cây bị nhiễm bệnh.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân diện tích cây sắn bị bệnh khảm lá là do trước đó người dân mua cây giống bị nhiễm bệnh từ tỉnh Tây Ninh về trồng. Sở khuyến cáo người dân ngưng trồng sắn trên diện tích đất đã bị nhiễm bệnh ít nhất 1 mùa. Khi mua giống phải chọn những địa chỉ có cây giống sạch bệnh và đáng tin cậy.

 “Chúng tôi cũng đã có văn bản và tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn phát sinh dịch bệnh những vụ trồng sắp đến. Đặc biệt là phải kiểm soát được giống nếu không làm tốt công tác kiểm soát giống thì dịch bệnh sẽ lây lan và thiệt hại lớn đến sản xuất của người nông dân”, ông Dương nhấn mạnh.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo, biện pháp tốt nhất để khống chế bệnh lây lan hiện nay là tiêu hủy ngay những diện tích đã nhiễm bệnh. Đồng thời, đối với những vườn sắn bị bệnh đã tiêu hủy, thì sau một năm mới trồng trở lại.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm