(GLO)- Ngày 18-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị (chuyên đề) nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo và cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; nội dung cốt lõi, chiến lược trong lập quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bám sát các nghị quyết của Đảng
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đồng chí Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông tin: Trên cơ sở các quy định của pháp luật, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của QHSDĐ cấp huyện. Việc lập quy hoạch được rà soát nhiều lần và tích hợp với quy hoạch trên nhiều lĩnh vực nhằm đảm bảo tính kết nối, đồng bộ. Theo đó, QHSDĐ cấp huyện được lập dựa trên cơ sở quy hoạch tỉnh, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của các địa phương, hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện QHSDĐ cấp huyện thời kỳ trước, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực của cấp huyện, xã, định mức sử dụng đất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Việc tổ chức triển khai lập QHSDĐ cấp huyện được thực hiện dựa trên quy định pháp luật nhưng phải đảm bảo theo nghị quyết của các Đảng bộ. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quy hoạch đất đai được nêu trong các nghị quyết đại hội, chủ yếu là xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu nông-lâm nghiệp. Trong đó, tính toán đến phương án dành đất cho các dự án trọng điểm liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển các cụm công nghiệp, khảo cổ học, văn hóa, du lịch, quốc phòng-an ninh, trồng rừng, các dự án điện gió, điện mặt trời, đặc biệt lưu ý những dự án đã được tỉnh cho khảo sát và đang đề xuất Chính phủ cho phép triển khai.
Quang cảnh Hội nghị (chuyên đề) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ảnh: Hồng Thương |
Tham gia đóng góp ý kiến, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương cho rằng, cần tính toán tính khả thi và đánh giá được hiệu quả của QHSDĐ cấp huyện. Đặc biệt, sau thẩm định vẫn còn mâu thuẫn về số liệu đất quy hoạch ở một số lĩnh vực. Do vậy, cần phối hợp kiểm tra để đảm bảo tính đồng nhất như đất quy hoạch hạ tầng giao thông, rừng phòng hộ. Đồng quan điểm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái cũng đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần phối hợp làm rõ tính khả thi của QHSDĐ cấp huyện như thế nào? Hiệu quả ra sao? Ngoài ra, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, thị xã An Khê là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh và là cái nôi văn hóa với nhiều di tích khảo cổ, do đó, cần xem xét quy hoạch cho phát triển công nghiệp và dịch vụ đô thị, hạ tầng, đặc biệt là các khu vui chơi, giải trí, văn hóa-xã hội và phát triển du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên:“Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói rất nhiều là không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, tôi đề nghị trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần phải có cụm từ “Xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường”. Ngoài ra, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt từ 50% trở lên”. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhìn nhận: Thực tế có một số diện tích đất quy hoạch của Ban Quản lý rừng phòng hộ đã bị người dân lấn chiếm hoặc được bố trí vào mục đích khác nhưng không được cập nhật vào quy hoạch. Từ đó, làm nảy sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến trách nhiệm của Ban Quản lý rừng. Bên cạnh đó, một số dự án kêu gọi phát triển du lịch khi triển khai cũng vướng quy hoạch đất lâm nghiệp dẫn đến gặp khó khăn trong thực hiện. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa nước bị hạn đã chuyển sang cây trồng khác nhưng không được cập nhật trong dự thảo quy hoạch. Do vậy, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại để có hướng điều chỉnh trong lập quy hoạch đất đai nhằm đảm bảo sát thực tế, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai sau này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút thông tin, qua giám sát của HĐND tỉnh, một số dự án bị vướng quy hoạch đất rừng phòng hộ như dự án điện gió tại các huyện Kông Chro, Chư Pưh, Chư Prông. Hoặc một số chuơng trình, dự án tại TP. Pleiku bị vướng quy hoạch giải phóng mặt bằng. Cơ quan chuyên môn cần làm rõ và bổ sung vào quy hoạch để tránh điều chỉnh nhiều lần.
Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường
Báo cáo trước hội nghị vào buổi chiều cùng ngày về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết quy hoạch gồm 2 phần: phần quy hoạch chiến lược, cốt lõi (được xây dựng thành khung với kết quả là đề xuất 4 chiến lược cơ bản và 6 định hướng lớn) và phần quy hoạch theo chuyên đề (gồm 38 hợp phần) được triển khai trên cơ sở định hướng và các khung của quy hoạch lõi và được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. “Quá trình lập quy hoạch dựa trên quan điểm hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng; phát triển Gia Lai dựa trên các nguồn lực được phân bổ một cách hợp lý, kết hợp hiệu quả giữa nguồn lực nhà nước và tư nhân, nguồn lực trong nước và nước ngoài; tổ chức không gian theo nguyên tắc phát triển tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang và hiện đại. Ảnh: Quang Tấn |
Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với nội dung cốt lõi, chiến lược trong lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, đây là những vấn đề lớn, mang tính chiến lược trong phát triển nên cần phải điều chỉnh, sửa đổi cụ thể một số nội dung để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong đó, cần quy hoạch cụ thể theo từng vùng, bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, đặc điểm tôn giáo, dân tộc, văn hóa và các điểm yếu, mạnh của tỉnh.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Huỳnh Quang Thái cho rằng, điều kiện để tỉnh phát triển chính là nguồn nước. Trong khi đó, tỉnh ta đang gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, mực nước ngầm hạ rất nhanh, nhiều nơi bị cạn kiệt không thể sản xuất lúa nước nhưng không thấy nhắc tới trong quy hoạch. Do vậy, cần phải tính toán và tìm giải pháp để có một hệ thống trữ nước, cấp nước kể cả cho khu đô thị cũ, mới và hoạt động sản xuất thì mới có thể phát triển được.
Tham gia góp ý về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đồng chí Trịnh Duy Thuân-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku cho rằng: Chất lượng hạ tầng giao thông của tỉnh còn rất thấp và thiếu đồng bộ. Do đó, cần phải có giải pháp, đề xuất kiến nghị đầu tư. Đặc biệt, đối với chiến lược đường sắt quốc gia và đường cao tốc đã được Chính phủ phê duyệt nhưng cần đề xuất thêm dự án hoặc xem xét những dự án nào thiết thực, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh để đề xuất thay đổi kế hoạch và ưu tiên triển khai trước.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho rằng, một số nội dung các chiến lược và định hướng cốt lõi quy hoạch tỉnh còn chung chung. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị đơn vị lập quy hoạch cần bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Cùng với đó, chọn tiêu đề chung cho chiến lược phát triển tỉnh, chú ý tới cụm từ trong văn kiện Đại hội XVI là “Phát triển tỉnh Gia Lai nhanh, bền vững và giàu bản sắc”. Đồng thời, chỉnh sửa câu chữ, làm rõ ý tứ trong từng nội dung chiến lược.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cơ bản thống nhất 4 chiến lược và 6 định hướng trong lập Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bổ sung và triển khai lập quy hoạch đúng quy định pháp luật, quy định của địa phương, đúng thời gian quy định. Theo đó, quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, thể hiện được cả tính khái quát và cụ thể trên từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong đó, lưu ý hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước, các cụm công nghiệp, cửa khẩu, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm tinh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường và giảm nghèo.
HỒNG THƯƠNG