Kinh tế

Nông nghiệp

Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên: Khôi phục lại rừng mới là cốt lõi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những tác động do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên.

 
Các tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi chống hạn
Các tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi chống hạn



Trong những năm qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.

Cụ thể, như đầu tư xây dựng thủy lợi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào kỹ thuật canh tác, sản xuất giống cây trồng chịu hạn... Tuy nhiên, để Tây Nguyên phát triển bền vững thì cần phải trả lại môi trường sinh thái tự nhiên, trong đó việc bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Để ứng phó với hạn hán khốc liệt do biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp ngắn hạn đang được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm đó đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi. Lâm Đồng là địa phương tiên phong về xã hội hóa trong lĩnh vực này. Theo kế hoạch đến năm 2020, tỉnh này sẽ đào mới khoảng 5.500 ao, hồ nhỏ với tổng kinh phí 125 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp một nửa.

Ông Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, công trình tuy nhỏ, nhưng hiệu quả lớn, năm vừa qua nhân dân đã đào được hơn 1.300 công trình.


 

 Viện Ea Kmat nghiên cứu các giống cây chịu hạn
Viện Ea Kmat nghiên cứu các giống cây chịu hạn



"Thực hiện đề án đào ao hồ nhỏ thì cực kỳ hiệu quả. Nguồn kinh phí chỉ khoảng 160 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 80 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 80 tỷ đồng nhưng mà tưới được trên 8.000ha. Bà con rất hưởng ứng, đến mức kinh phí đối ứng của nhà nước không đủ cho bà con đào ao. Qua việc đào ao mà hạn hán của chúng tôi đã giảm đến mức tối thiểu” - ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Mô hình liên kết 3 nhà: nhà khoa học - doanh nhân - người nông dân đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm chủ động trước những khó khăn của biến đổi khí hậu. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang liên kết với nông dân để thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mang tính bền vững. Những thành công ban đầu được rút ra từ công tác quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, phân bón hợp lý, tưới nước tiết kiệm và trồng cây che bóng chắn gió … cho đến giải pháp phối hợp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch giữa doanh nghiệp và người nông dân luôn được chú trọng.

Về một số giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trần Thanh Sơn – Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Công Bằng Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm: “Đặc biệt là chống biến đổi khí hậu thì hợp tác xã khuyến khích bà con sử dụng nguồn nước từ ao hồ và nước giếng khơi, chứ không sử dụng giếng khoan. Vì đây cũng nằm trong chương trình chống biến đổi khí hậu”.

 

Nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm được ứng dụng
Nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm được ứng dụng



Một thách thức lớn hiện nay là hầu hết các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên đã vượt quy hoạch khá nhiều. Cụ thể như: cà phê và hồ tiêu là những ví dụ điển hình. Toàn vùng đã có trên 550.000 ha cà phê, vượt quy hoạch hơn 100.000 ha; hồ tiêu đã lên đến 70.000ha, vượt quy hoạch 20.000 ha. Riêng ở các tỉnh như Đak Nông, Đak Lak và Gia Lai, diện tích hồ tiêu đã vượt quy hoạch gấp đôi, gấp ba lần.

Trước thực trạng đó, yêu cầu đặt ra cho các địa phương cần sớm điều chỉnh quy hoạch cho từng loại cây trồng theo tiểu vùng khí hậu để vừa phù hợp với điều kiện sinh thái và chủ động trước những khó khăn của biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Trương Hồng-Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng công tác quản lý quy hoạch không tốt và chưa đồng bộ.

“Có một vấn đề ở chỗ là chúng ta chạy theo diện tích. Bây giờ cả hồ tiêu và cà phê đều vượt quy hoạch, ảnh hưởng chung đến sản xuất bền vững. Do diện tích vượt quy hoạch nên hạ tầng thủy lợi đi theo là chưa đáp ứng được. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thủy lợi của nhà nước chỉ mới đáp ứng được từ 30 đến 40% nhu cầu nước tưới, còn lại người dân tự khai thác sông suối và nước ngầm. Chính vì vậy làm tăng nguy cơ làm thiếu hụt nguồn nước”-Tiến sĩ Trương Hồng bày tỏ.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010-2014, toàn vùng Tây Nguyên đã mất 300.000 ha rừng tự nhiên. Thực tế hiện nay, tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương trong khu vực. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, làm thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và cũng một hệ lụy tất yếu từ việc để mất rừng ở Tây Nguyên.


 

Trồng xen canh nhiều loại cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Trồng xen canh nhiều loại cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.



Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, từ năm ngoái đến nay, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định thu hồi gần 2.000 ha đất rừng của các dự án không hiệu quả và giao về địa phương quản lý. Cũng tương tự như vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng tự nhiên; rà soát các dự án liên quan đến rừng. Qua đó, tỉnh đã tạm ngưng 43 dự án liên quan đến rừng.

Về các giải pháp quản lý rừng hiệu quả, Tiến sĩ Phạm S -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tỉnh Lâm Đồng đã phân loại các dự án liên quan đến rừng gồm có 7 nhóm liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, dự án du lịch sinh thái, các công trình thủy điện... Do tính chất quan trọng của rừng Lâm Đồng có tác động rất lớn đến môi trường sinh thái của lưu vực sông Đồng Nai, 11 tỉnh trong lưu vực, cho nên Lâm Đồng rất quyết liệt, không tác động đến rừng tự nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Cùng với đó, năm nay các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều có kế hoạch trồng rừng với diện tích rất lớn (trên 15.000 ha), trong đó riêng tỉnh Gia Lai chiếm gần một nửa. UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch trong 3 năm từ 2017-2019 sẽ thu hồi tối thiểu 30.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để giao đất cho người dân trồng rừng có hưởng lợi.


 

Chuẩn bị giống để trồng rừng trong mùa mưa
Chuẩn bị giống để trồng rừng trong mùa mưa



Theo ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai: “Đất lâm nghiệp là phải trả về cho lâm nghiệp. Chúng tôi cũng khắc phục và chuyển một số diện tích đất trống, một số đất thu hồi để trồng rừng trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Riêng năm 2017,chúng tôi phấn đấu trồng 7.000 ha rừng. Đây là nhiệm vụ có chỉ tiêu hết sức cao so với các năm về trước”.

Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên liên tục hứng chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, với những trạng thái thời tiết cực đoan. Năm ngoái, toàn vùng đã trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, với khoảng 140.000 ha cây trồng ảnh hưởng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu; hơn 43.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã hỗ trợ 108 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và xuất cấp 2.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt.

Trong khi đó từ đầu năm nay, mưa phùn lại xuất hiện và kéo dài ngay trong mùa khô, tiếp tục gây thiệt hại đối với cây trồng trên diện rộng. Và hiện nay, mùa mưa đã tới, nỗi lo về lũ quét, ngập úng đã cận kề, chắc chắn không tránh khỏi thiệt hại. Rồi cuối năm, các địa phương lại đề nghị Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả và cứu đói.

Đành rằng sự hỗ trợ của Chính phủ là rất kịp thời, giúp người dân khắc phục được khó khăn trước mắt. Thiết nghĩ, số ngân sách này cùng với các nguồn lực khác được chủ động đầu tư để triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được thiệt hại đáng kể. Và, trong rất nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên hiện nay chỉ mới là trước mắt, khôi phục lại rừng tự nhiên mới là cốt lõi lâu dài.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm