Multimedia

Emagazine

E-magazine Bổ sung thông tin khai báo khi gửi hàng: Giải pháp đảm bảo an toàn cho nhà xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Từ trước đến nay, thông tin hàng hóa gửi đi và nhận ở các nhà xe đều rất sơ sài. Người gửi hàng chỉ cần ghi tên, số điện thoại người nhận trên thùng hàng; nội dung trên giấy biên nhận của nhà xe cũng chỉ có thế. Những trường hợp thân quen thậm chí không cần ghi tên người gửi, chỉ vỏn vẹn tên, số điện thoại người nhận, thanh toán tiền cước là xong. Chính vì vậy, trước thông tin quy định phải bổ sung số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người gửi và người nhận thì hầu hết nhân viên tại các nhà xe đều cho biết vẫn chưa thấy các đơn vị kinh doanh vận tải phổ biến về nội dung này, khi nào có yêu cầu thì sẽ triển khai áp dụng.

 

Anh Lâm Xuân Phổ-tài xế của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho hay: “Trước giờ, việc nhận gửi hàng hóa theo xe hoặc nhận gửi dọc đường thường chỉ cần tên, số điện thoại người nhận là đã có thể giao hàng. Xe đến nơi thì theo số điện thoại ghi tên gói hàng gọi điện cho người nhận ra lấy, mình kiểm tra thông tin bằng cách yêu cầu họ nói tên, số điện thoại người gửi, nếu đúng thì giao”. Theo anh Phổ, sắp tới có quy định bổ sung thêm thông tin thì sẽ yêu cầu khách hàng khai báo đầy đủ, đúng quy định mới nhận gửi hàng. Đối với lái xe, việc khai báo thông tin gửi hàng đầy đủ rất cần thiết, tránh những rủi ro pháp lý nếu không may bị khách hàng xấu lợi dụng gửi hàng cấm, hàng lậu theo xe.

 

Đến nhà xe Thuận Tiến gửi hàng cho em trai ở TP. Hồ Chí Minh, anh Tạ Đức Lượng (TP. Pleiku) cầm theo gói hàng chỉ ghi tên, số điện thoại người nhận. Anh Lượng cho hay, trước giờ đều như vậy, cũng chẳng thấy ai yêu cầu gì thêm.

 

Theo ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai: Lâu nay, hàng hóa gửi đi và nhận về chủ yếu chỉ ghi số điện thoại người gửi, người nhận, thêm nữa là địa chỉ giao hàng. Chính vì vậy, thời điểm dịch Covid-19 cuối năm 2020, không riêng gì nhà xe Thuận Tiến mà một số doanh nghiệp khác cũng vướng vào những rắc rối liên quan đến việc vận chuyển hàng lậu.

 

Trong khi đó, ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành Gia Lai (nhà xe Đức Đạt) thì cho rằng, việc ghi nhận thông tin đầy đủ của người gửi, người nhận hàng hóa theo quy định sẽ mất nhiều thời gian nhưng lại đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp làm hết trách nhiệm không những hỗ trợ việc ngăn chặn, phát hiện và truy cứu những người lợi dụng vận chuyển hàng cấm một cách dễ dàng mà còn tránh những liên lụy pháp lý đối với nhà xe nếu gặp rủi ro không truy tìm được người nhận cũng như người gửi. Sắp tới, chúng tôi sẽ họp quán triệt, phổ biến rộng rãi quy định này đối với lái xe, nhân viên; đồng thời làm bảng nội dung thông báo, niêm yết chỗ thuận tiện để khách hàng đến giao dịch dễ nắm bắt”-ông Uông nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-thông tin: Ngay sau khi có những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định 47/2022/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, chúng tôi đã có văn bản thông báo cho các ban ngành, địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh, các bến xe khách và đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô; đồng thời đề nghị phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm thực hiện đúng quy định.

 
 

Có thể bạn quan tâm