Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trong những nội dung quan trọng của Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu tâm cho chúng ta là vấn đề thanh niên-thế hệ tương lai, rường cột của nước nhà. Bác viết: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.
 
Đây là nét đặc sắc trong chiến lược đào tạo thế hệ trẻ được Người ghi trong Di chúc đến nay không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược về con người mà còn mang tính thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta muốn giáo dục thanh niên sống có lý tưởng tốt đẹp thì cần nhận thức và thực hiện đúng tinh thần Di chúc của Bác.
 Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò tích cực của thanh niên. Bác luôn coi thanh niên là lực lượng xung phong, đi đầu trong sự nghiệp cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược về con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên có sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với cách mạng nước mình và cách mạng thế giới, đó là thanh niên trong giai cấp công nhân, giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất trong lịch sử, là người xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới. Bên cạnh đó, Bác chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa tổ chức Đảng với Đoàn Thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là đảng lãnh đạo, là đảng cầm quyền. Chính vì vậy, Đảng là tổ chức lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có Đoàn Thanh niên. Do đó, Đảng phải đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn để định hướng cho Đoàn Thanh niên hoạt động tích cực và đạt hiệu quả cao.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung và phương pháp giáo dục thanh niên có giá trị thực tiễn sâu sắc. Trong thực tế, vai trò và sức mạnh của thanh niên không phải là cái có sẵn, bất biến. Vì vậy, theo Bác, muốn xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng phải thực hiện thành công chiến lược trồng người: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Bác căn dặn thực hiện chiến lược trồng người phải chú ý cả đức và tài, “hồng” và “chuyên”, phẩm chất và năng lực phải thống nhất làm một. Trong đó, Người nhấn mạnh: Đức là gốc của tài; hồng là gốc của chuyên; phẩm chất là gốc của năng lực. Chính vì lẽ đó, Người rất quan tâm về nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục thế hệ trẻ. Người đã chỉ đạo sát sao từng nội dung giáo dục như sau: “Thứ nhất, nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về đức dục. Thứ hai, phải bồi dưỡng để thanh niên giỏi văn hóa, giỏi chuyên môn, thấu suốt về chính trị. Thứ ba, thanh niên cần phải được rèn luyện, bồi dưỡng về thể chất”. Người chủ trương xây dựng chương trình giáo dục phải toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Người chỉ ra những chuẩn mực đạo đức cách mạng cần rèn luyện cho thế hệ trẻ, đó là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;  thương yêu con người, sống có tình nghĩa; phải có tinh thần quốc tế trong sáng. Về phương pháp giáo dục, theo Bác, nhà giáo dục cần tổ chức cho người học thực hiện: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Bác yêu cầu người học phải xác định rõ động lực: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”,  và  “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết… để xây dựng chủ nghĩa xã hội”... Trong công tác xã hội, Người luôn nhắc nhở chúng ta “phải khéo léo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ” để họ bù đắp cho nhau những ưu khuyết điểm mang tính đặc thù của tuổi tác: “Cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh... Không nên coi thường cán bộ trẻ”.
50 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thế hệ trẻ, Đảng và Nhà nước ta đã đào tạo được nguồn cán bộ cách mạng đủ đức, đủ tài gánh vác sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng giáo dục thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên” của Bác, ngày 30-12-2011, Đảng ta đã đưa chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, thực hiện đúng Di chúc của Người sẽ góp phần củng cố bản lĩnh cách mạng. Thanh niên ngày nay phải lấy việc lập thân, lập nghiệp phục vụ đất nước làm mục tiêu phấn đấu, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, thật sự xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng.
 ThS. VÕ THỊ ÁI

Có thể bạn quan tâm