(GLO)- Đi qua hơn 70 mùa rẫy, già làng Ksor Cân tựa như gốc cổ thụ đầu làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ông không chỉ giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai.
Gần 10 năm được tín nhiệm bầu làm già làng, ông Ksor Cân luôn dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông cho hay: Làng Dăng hiện có 473 hộ với trên 1.800 khẩu, trong đó người Jrai chiếm 57%. Năm 2021, làng Dăng được xã Ia O chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số. “Nghe tin này, tôi vừa mừng vừa lo. Lo là bởi cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sau nhiều trăn trở, tôi cùng hệ thống chính trị bắt tay vào việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Muốn dân làm theo thì mình phải nói sao cho họ thuận lòng. Điều này không dễ, không phải trong ngày một ngày hai. Vậy nên, tranh thủ buổi tối, khi bà con đi làm về, chúng tôi đến từng nhà nói chuyện, phân tích để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM cũng như xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nâng cao cảnh giác trước âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch”-ông Cân chia sẻ.
Ông Ksor Cân (bìa trái) hướng dẫn người dân trong làng tạc tượng. Ảnh: Mai Ka |
Đặc biệt, khi có chủ trương làm con đường giao thông nông thôn dài gần 1 km, ông Cân cùng Ban Nhân dân và các đoàn thể đã vận động nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến hàng trăm mét vuông đất. Theo già làng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư thì người dân nên đóng góp công góp của để chung sức xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đi lại thuận tiện, con cháu sau này sẽ được hưởng lợi. Nghe theo lời ông, gia đình ông Ksor Thuônh cùng nhiều gia đình khác trong làng đã tự nguyện hiến đất làm đường. Ông Thuônh cho biết: “Tôi đã hiến hơn 100 m2 đất và tháo dỡ hàng rào để làm đường giao thông. Tôi thấy đây là việc làm thiết thực và rất ý nghĩa”.
Ngoài việc tăng cường vận động bà con di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, làm hàng rào, sửa chữa mương thoát nước các tuyến đường trong làng, đóng góp kinh phí để mua sắm thiết bị trong nhà văn hóa, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm… ông Cân còn động viên dân làng chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Ksor Thick vui vẻ nói: “Già Cân thường vận động chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Nghe theo già, gia đình tôi đã trồng được 1.000 cây cao su, 1.000 cây cà phê, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng”.
Không chỉ là người có uy tín tiêu biểu, ông Cân còn là nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian truyền thống có tiếng của địa phương. Với tình yêu văn hóa truyền thống và sự kiên trì, ông đã khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân trong làng. Cồng chiêng, tạc tượng, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, cúng mừng lúa mới... vẫn được bà con trong làng bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, làng có thêm nhiều nghệ nhân trẻ biết tạc tượng gỗ và đánh cồng chiêng. Anh Rơ Lan Biếu cho hay: “Mình theo già Cân tạc tượng từ lúc 20 tuổi. Được già chỉ bảo và đưa đi tham gia các cuộc thi, lễ hội nên mình rất tự tin quảng bá văn hóa dân tộc. Ngoài ra, mình cũng tham gia vào đội cồng chiêng của làng, góp phần bảo tồn văn hóa của người Jrai”.
Trò chuyện cùng P.V, ông Rơ Lan Trương-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dăng-nhận xét: “Tháng 4-2022, làng Dăng được UBND huyện công nhận đạt chuẩn NTM. Thành quả này có phần góp sức của già làng Ksor Cân. Năm 2022, dân làng tiếp tục hiến đất để làm 3 km đường giao thông từ làng Dăng đến làng Kloong. Để làm tốt phần việc này, vai trò của già Cân là tiên quyết, góp phần đưa làng Dăng ngày càng khởi sắc”.
MAI KA