Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bức vẽ hình chim Lạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa xuân gần 70 năm trước, bà nội được bà cố sinh ra trên đường vào Nam.

Ngày ấy, tàu xe, thuyền ghe đi lại vẫn còn nhiều khó khăn, còn máy bay cho người nghèo thì chắc khó ngang bằng chuyện lên trời hái sao. Ngọc thật khó tưởng tượng ông bà cố có thể đi bộ gánh gồng hàng nghìn cây số tha hương, chưa kể bà cố lại mang vác thêm bụng bầu 7, 8 tháng hòa vào dòng người lạ nhiều hơn quen để đến một miền đất hứa chưa từng có trong suy nghĩ của họ. Ai cũng nghĩ bà cố không thể qua nổi cơn đau vượt cạn bất ngờ đến sớm, nhất là sau những ngày bữa đói nhiều hơn bữa no dọc bước đường thiên lý cam go. Cả bà cố cũng không nghĩ mình có thể vượt qua. Nhưng bà bảo, có đàn chim Lạc từ vùng núi xa bay ngang qua bầu trời hôm ấy cứu bà. Tiếng kêu trầm hùng của đàn chim tựa như khúc hát thức tỉnh sự mạnh mẽ bản năng trong bà…

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

- Tiếng kêu của đàn chim Lạc ấy mà, tựa như xa xôi tự hàng nghìn năm trước, không loài chim nào có giọng trầm hùng, ấm áp và đầy kiêu hãnh như thế và không ai có thể bắt chước. Chỉ có loài chim mang khát vọng cùng nhau bay cao, bay xa mới có nổi thứ âm thanh kỳ diệu ấy. - Đã nhiều lần, bà nội kể về đàn chim Lạc với một sự say mê.

- Bà đã nghe tiếng kêu ấy chưa? - thằng Ngọc ngờ vực hỏi.

Kể ra, thằng bé ngờ vực cũng đúng. Bởi nó đã thấy hình chim Lạc, nghe các thầy cô nói về chim Lạc nhưng chưa ai nói cho nó biết thật rõ về tiếng kêu của đàn chim mà dường như chỉ có trong truyền thuyết, cổ tích như cách bà nội vẫn say sưa kể nó nghe.

- Bà chưa nghe, nhưng chắc chắn các cụ, kị tổ tiên ngày xưa đã từng nghe. Đất Tổ quê mình vốn là nơi chim Lạc từng sinh sống. Và cũng có khi, đúng như bà cố kể, vào cái hôm bà sinh ra, có đàn chim Lạc bay về…

- Vậy sao trong sách con học, không ai nói về tiếng kêu của bầy chim?

- Vì những người từng nhìn thấy, nghe thấy như các cụ kị xa xưa, người ta không biết chữ, không ai vẽ được âm thanh như vẽ cánh chim, cũng không gặp được các ông bà nhà văn hay thầy cô để kể lại.

Bà nội thủng thẳng nói. Ngọc phì cười. Có khi bà nói đúng ấy chứ, khi xưa có mấy người biết chữ đâu.

* * *

Đồ đoàn mà ông bà cố mang theo từ Bắc vào Nam có một cây đào nhỏ chi chít nụ, một trống đồng khắc hình đàn chim Lạc. Cây đào nở hoa dọc đường đi, vào đến đất Phan Rang thì phần vì nắng nóng quá, phần vì nhà có thêm thành viên nên cây đào héo dần, héo dần, ông cố phải xin trồng lại trong vườn nhà một người dân ven đường. Khi chọn được vùng đất để an cư, ông cố một tay dựng nhà dựng cửa bằng gỗ, tre, mái tôn… ông dành riêng chái nhà bên phải, ở vị trí trung tâm làm khu tưởng niệm Vua Hùng. “Vốn liếng” duy nhất có được là chiếc trống đồng từ nhiều đời để lại mà ông gánh từ đất Bắc vào Nam này. Hành trình vất vả và dài lâu hơn nhiều so với dự tính. Dọc đường đi, gạo và thức ăn hết sạch, thay vì gật đầu đổi trống lấy lương thực cứu đói, ông nán lại cày thuê cuốc mướn, không ngại những việc nặng nhọc, hiểm nguy để đổi lấy cơm ăn cho cả nhà. Trống đồng là vật báu gia truyền, không đời nào ông chấp nhận việc đổi lấy miếng ăn.

Những người hàng xóm quanh nhà ông cố cũng là bầu bạn từ quê vào, cùng làm nghề mộc nên rủ nhau chung tay chạm trổ tượng Vua Hùng, tượng Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng… đặt vào điện thờ. Những nhân vật từ thời Hùng Vương xa xưa Ngọc tưởng chỉ có ở trong trang sách, bài học, thực sự đã có từ lâu lắm, trong gia đình mình. Mỗi năm gần ngày tết, Ngày Giỗ Tổ, Ngọc vẫn cùng bà lau rửa những tượng gỗ. Ngọc thường nhìn ngắm gương mặt các vị, nhiều lần dường như thân quen.

* * *

Ngọc đã từng nghe bà nội kể đi kể lại chuyện lập đền thờ Vua Hùng, chuyện về đàn chim Lạc bay từ núi xa đến mang theo khúc hát thức tỉnh để bà có thể sinh ra trên đời này nhiều năm về trước. Thi thoảng bố nhắc: “Bà kể một lần thôi, thằng bé nhớ rồi”. Bà vẫn mặc kể, kể đi kể lại nhiều lần. Đó là một phần kí ức đậm sâu đến mức, khi về già, trí nhớ dần dần rời xa bà thì những chuyện ấy vẫn ở lại. Lần nào bà kể, Ngọc cũng háo hức lắng nghe. Dù có khi, cũng vì bệnh lẫn, có lúc bà ngưng lại ngơ ngác hỏi Ngọc: “Ơ, cậu tên gì? Cậu con nhà ai thế nhỉ?”. Lần đầu nghe bà hỏi, thằng bé còn ngơ ngác gấp mấy lần bà. Nó khóc òa vì không chấp nhận được sự thật rằng người yêu quý nhất của mình lại không nhận ra mình là ai. Lớn hơn một chút, Ngọc không giận bà nữa mà càng thương bà hơn.

- Cả cô dạy lịch sử lẫn cô dạy vẽ của con đều nói chim Lạc chỉ có trong truyền thuyết, không có thật, bà ạ. - Ngọc kể, sau buổi học vẽ hình chim Lạc trên mặt trống đồng.

- Không đúng, ở quê mình đã từng xuất hiện chim Lạc. Con nhìn đây này, tất cả hình trang trí trên mặt trống đồng đều được vẽ từ thực tế. Và có một thực tế không thể chối cãi là có đàn chim Lạc đã cứu bà cố qua cơn vượt cạn, mới có ông nội, mới có bố con, có con.

Ngọc khẽ “dạ”. Nếu xét theo khoa học, lịch sử, loài chim đến từ huyền thoại ấy có thể không có thật. Nhưng xét theo những câu chuyện, những dẫn chứng truyền từ đời này qua đời kia ở những người con gốc gác Đất Tổ như bà nội, Ngọc vẫn tin rằng đã có loài chim ấy từ ngàn xưa. Biết đâu đấy, sau cả nghìn năm nữa các nhà khoa học lại tìm ra xương cốt chim Lạc hóa thạch mà khẳng định chúng đã từng có trên mặt đất này thì sao? Cô giáo cũng nói, khoa học và lịch sử vẫn luôn có những đổi thay bất ngờ cơ mà?

* * *

Bà nội đúng là bạn thân nhất của Ngọc. Bố mẹ bận đi làm, một tay bà chăm sóc Ngọc nên bà hiểu Ngọc hơn bất cứ ai trên đời này. Bà có cả kho cổ tích, chuyện kể lí thú trong đầu để luôn kể cho Ngọc nghe những khi nó rảnh rỗi hay khó ngủ. Trong khu vườn và khu đền chỉ mấy mươi mét vuông này thôi cũng biết bao câu chuyện dày lên theo năm tháng. Chuyện về con rạch xa xa sau nhà mình, khi xưa là khúc sông lớn, chảy từ sông Sài Gòn vào. Cư dân ngày càng nhiều thêm, đất bồi, đất lấp, sông rời xa dần. Chuyện về những bức tượng gỗ được trả giá cao ngất vào những năm đói kém nhưng không ai đồng ý bán khi đã là của chung. Chưa kể, sau những tháng năm đèn hoa, nhang khói gửi gắm những ước mong, niềm tin của cháu con vào đó thì từ ánh mắt, nét cười của Vua Hùng, của Tiên Dung, Chử Đồng Tử… cũng đã ấm áp như mang hồn cốt trong từng thớ gỗ. Và chuyện về cây đào trồng lại bên đường thiên lý, giờ này chắc đã hóa mây trời từ lâu mà bà vẫn nhắc mãi. Năm nào Tết về, bố cũng tìm một cành đào thật đẹp về chưng lên bàn thờ Vua Hùng, vừa để cúng Tổ, vừa để bà đỡ nhớ quê khi mãi nhắc nhớ về cành đào năm xưa.

Độ này thời tiết nóng quá, “bạn thân” bà nội đổ bệnh. Ngọc ngồi bên bà khi bà tỉnh, thường gợi chuyện ngày xưa để bà vui. Bà vẫn lặng im không nói, thi thoảng khóe mắt trĩu nặng những giọt nước long lanh.

Bác sĩ nói với bố, bệnh của bà nội chỉ có thể đếm từng tháng, từng ngày. Bố, mẹ gác lại mọi việc, chăm bà từng muỗng cháo, viên thuốc, dù ai nấy đều hiểu, thuốc thang lúc này chỉ để cầm cự, may chăng chỉ có thuốc tiên mới cứu nổi khi đến sức để ngồi dậy ăn uống bà còn không có. Có lúc, bà bất ngờ tỉnh lại, nhớ quê, đòi về. Trong giấc mơ của bà đêm qua - hoặc sáng nay - thời gian của người già nằm trên giường bệnh cũng lẫn lộn hết cả như mọi suy nghĩ, bà mơ thấy chim Lạc mắc võng cõng bà về. Bà còn thấy ông bà cố trên đôi cánh chim Lạc phía trước, bay về phía những đám mây ngũ sắc lộng lẫy. Về quê, không cần thuốc thang gì cũng khỏe lại. Bố động viên bà cố ăn từng muỗng cháo nhỏ để có sức, bố sẽ đưa bà cháu về thăm quê. Mẹ thương bà, nghĩ giấc mơ mang điềm xấu, lén quay đi giấu nước mắt. Mẹ biết, chuyến về quê ấy thật xa xôi với người như ngọn đèn dầu sắp tắt dần theo từng tháng, từng ngày.

* * *

Những bức vẽ chim Lạc giống y khuôn mẫu ở lớp khiến Ngọc muốn vẽ một điều gì đó khác biệt. Trong vô thức, nó vẽ thêm cánh võng nhỏ treo trên đôi cánh chim Lạc, vẽ bà nội ngồi thật tươi trên đó, và cả Ngọc, bé xíu xiu, cười thật tươi ngồi bên cạnh...

Mà cũng thật lạ, hai con chim Lạc cũng như thể đang mỉm cười cùng hai bà cháu. Phía dưới là một vùng núi non bừng nở sắc hồng hoa đào. Nó hài lòng ngắm bức tranh. Hẳn ông bố họa sĩ khó tính của Ngọc cũng không chê sản phẩm này được chứ đừng nói chi đến cô giáo. Và chỉ vài giây trước khi chuông báo hết giờ, nó hốt hoảng thực sự khi nhận ra rằng mình đã vẽ sai yêu cầu đề bài: Vẽ chim Lạc trên mặt trống đồng. Hình chim Lạc trên trống đồng mà nó vẫn cùng bà lau rửa hàng năm đến quen cả những vết trầy, vết xước, thế mà không hiểu sao vẫn có thể vẽ lạc đề.

Bức vẽ chim lạc của Ngọc bất ngờ được chấm điểm cao và được giới thiệu trong buổi chào cờ đầu tuần. Cô giáo nói, dù không vẽ đúng dáng hình chim Lạc trên trống đồng nhưng đây vẫn là chú chim Lạc đặc biệt xứng đáng nhận điểm tối đa vì cô nó chở bao thương yêu trên đôi cánh. Ông bố họa sĩ biết chuyện, mắt rưng rưng nhìn con: “Cảm ơn con”. Đã lâu lắm rồi, từ dạo hay nói lời “cảm ơn” để con học theo, hình như đến nay Ngọc mới nghe bố nói lại.

Ngay chiều tối hôm ấy, đi làm về, bố mua màu về vẽ lên mặt tường đối diện thềm nhà, nơi nắng mai vẫn ghé qua mỗi sáng. Suốt một đêm thức trắng, ông vẽ lại bức tranh của thằng bé con mà ông vẫn nghĩ chỉ là đứa ham chơi và chưa từng hy vọng gì ở chuyện học vẽ của nó.

Sáng nay, mẹ và Ngọc đỡ bà ngồi dậy ăn cháo như mỗi sáng. Mẹ chỉ cho bà xem bức vẽ của bố và Ngọc. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, bà đòi ngồi xe lăn ra sân tắm nắng, ngắm tranh. Trên khóe môi rung rung của bà chợt nở nụ cười hiếm hoi kể từ khi bà nằm trên giường bệnh. Bà nhìn Ngọc: “Đúng quê mình đây rồi. Bà được về quê rồi. Chỉ thằng bé bạn thân của bà mới hiểu bà đến thế mà thôi”.

Có thể bạn quan tâm