(GLO)- Sáng 1-12, tại TP Pleiku, Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) quốc gia Việt Nam phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học để nhìn nhận, đánh giá về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018.
Dự hội thảo có bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học cả nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Viện trưởng Viện VHNT quốc gia và ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Từ khi được UNESCO tôn vinh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, suốt những năm qua, 5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai rất nhiều giải pháp để khôi phục, bảo tồn giá trị của di sản đặc biệt này. Hiện 5 tỉnh đã và đang lưu giữ được trên 10 ngàn bộ cồng chiêng, trong đó Gia Lai chiếm phân nửa với hơn 5 ngàn bộ.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp qúy giá của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhằm nhận diện cơ hội, thách thức của công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay; đánh giá quy trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo chương trình hành động của 5 tỉnh. Hội thảo cũng phân tích vai trò quản lý của nhà nước, cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, nhất là trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội, du lịch ở Tây Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn.
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Dăm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Theo các nhà khoa học, trước hết cần khôi phục môi trường diễn xướng của cồng chiêng, đó là không gian buôn làng; đồng thời chăm lo đội ngũ nghệ nhân, cần khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng, tạo điều kiện để những “báu vật nhân văn sống” này truyền dạy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, để tạo ra dòng chảy kế thừa, cồng chiêng cần được trao truyền dưới mọi hình thức, trong đó có hoạt động đưa cồng chiêng vào trường học, nhất là các trường dân tộc nội trú; cần tổ chức các hoạt động để vinh danh không gian văn hóa cồng chiêng, trong đó festival là một trong những hoạt động thiết thực....
Một vấn đề quan trọng được nhiều nhà khoa học lưu tâm hiện nay, đó là bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng cần hiểu đúng về giá trị di sản này, một số địa phương đã có những sự ngộ nhận dẫn đến lệch hướng trong công tác bảo tồn, điều này là rất nguy hại đối với di sản.
Hoàng Ngọc