Gia Lai sẵn sàng cho Festival Văn hóa Cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” hứa hẹn là ngày hội của cả cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Tất cả đã sẵn sàng cho sự kiện lớn đang đến rất gần.

Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch, thương mại được diễn ra, trong đó được mong đợi nhất là lễ khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 30-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Sẽ có hơn 1.000 nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trong chương trình khai mạc chính của lễ hội. Với 15 phút trình diễn của hai dân tộc bản địa Bahnar và Jrai đến từ 6 huyện: Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh, Kông Chro, Kbang và Đak Pơ lồng cùng phần âm nhạc đặc trưng Tây Nguyên trên sân khấu chính của buổi khai mạc chắc chắn sẽ làm mãn nhãn du khách bốn phương.

Anh Nguyễn Công Hòa-Trưởng đoàn của đoàn nghệ nhân đại diện huyện Kbang hào hứng chia sẻ: “Kbang rất vinh dự là một trong những huyện được chọn trình diễn chính trong buổi khai mạc với đội cồng chiêng thanh thiếu niên làng M’Hra xã Kông Lơng Khơng. Đến thời điểm này tất cả đã sẵn sàng những từ nghệ nhân được tuyển chọn, tập luyện những bài chiêng truyền thống mang bản sắc cộng đồng người Bahnar đến trang phục, đạo cụ… chỉ còn đợi đến ngày biểu diễn khai hội”.

Ảnh nguồn internet
“Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” hứa hẹn là ngày hội của cả cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh nguồn internet)



Sẽ có chương trình khai mạc các hoạt động của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 vào lúc 8 giờ ngày 1/12 tại Bảo tàng tỉnh. Bên cạnh chương trình văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương còn trao giấy ghi nhận cho các nghệ nhân đóng góp cho sự thành công của sự kiện này. Có 6 xe lưu động phục vụ dòng cà phê organic tại các tuyến đường trung tâm của thành phố từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút với giá bán ưu đãi phục vụ du khách.

26 đoàn nghệ thuật quần chúng với khoảng 1.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng đến từ 4 tỉnh Tây Nguyên và 17 huyện, thị xã, thành phố Gia Lai sẽ tham gia giao lưu, trình diễn nghệ thuật cồng chiêng trong Lễ hội đường phố. Các đoàn theo thứ tự được bố trí sẽ biểu diễn cồng chiêng, đi cà kheo tạo không khí sôi động, phấn khởi diễu hành trên các tuyến đường chính, dẫn đầu là đội cồng chiêng nhí huyện Kông Chro. Sau đó sẽ tập kết về xung quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết chỉnh chiêng, trình diễn nghệ thuật dân gian và các nghề thủ công truyền thống nhằm phô diễn, giới thiệu đặc trưng văn hóa của cộng đồng, phục vụ nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của khách du lịch.

Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các tỉnh Tây Nguyên là một trong những hoạt động hấp dẫn gồm Lễ ăn cơm mới của người Ê Đê;  Lễ cúng sức khỏe của người M’nông tại công viên Diên Hồng; Lễ Sạ lúa của người Chu Ru; Lễ cầu an của dân tộc Bahnar tại công viên Đồng Xanh. Riêng về Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar huyện Kbang tại nhà rông làng Ốp sẽ do đội cồng chiêng thanh thiếu niên làng M’Hra xã Kông Lơng Khơng đảm nhiệm. Trưởng đoàn, Anh Nguyễn Công Hòa cho biết bên cạnh phục dựng lại Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar huyện Kbang sẽ lồng ghép giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, tiềm năng thế mạnh của huyện đến với du khách tại khuôn viên làng Ốp.

Là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh  những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, trong chuỗi hoạt động của Festival lần này Bảo tàng tỉnh Gia Lai chủ trì các hạng mục Triển lãm “Chiêng, trống cổ truyền các dân tộc Jrai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai”; Trình diễn “Văn nghệ Dân gian” và Trình diễn tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Chị Nguyễn Thị An-Bảo tàng tỉnh cho biết: “Các nghệ nhân giỏi, người dân tộc tại chỗ của các địa phương, thuộc các lĩnh vực văn hóa dân gian tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm sẽ do địa phương lựa chọn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên trình diễn trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum. Các tác phẩm trình diễn tạc tượng gỗ dân gian được ghi tên, tuổi, địa chỉ của nghệ nhân và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai phục vụ việc trưng bày, giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh”.

Trong cuộc họp báo cáo tiến độ các hoạt động Festival, TS Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc bảo tàng tỉnh nhấn mạnh: “Các nghệ nhân chỉ được sử dụng dụng cụ tạc tượng truyền thống như rìu, rựa, đục gỗ… không dùng cưa máy. Đối với loại hình đan lát khuyến khích nghệ nhân dùng các loại chiếu nan tự tạo, truyền thống để ngồi đan vừa đúng bản sắc lại phô diễn được giá trị văn hóa bản địa”. Những sản phẩm dệt thổ cẩm các nghệ nhân tạo ra có thể vừa trưng bày, vừa bán cho du khách nếu họ có nhu cầu.

Công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức khảo sát du lịch (famtrip) trong sự kiện lần này là dịp ghi nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị nhằm định hướng phát triển du lịch Gia Lai. Chị Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Chương trình tour du lịch cộng đồng sẽ được công bố tại sân khấu của khu Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền sau khi đoàn đại biểu, đoàn khảo sát thưởng thức những món ăn tinh túy trên cả nước. Chương trình khảo sát ngày hôm sau với sự tham dự của 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa ra những tour, tuyến đặc trưng của du lịch Gia Lai. Những ý kiến đóng góp của các đơn vị quản lý, nghiên cứu về du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành sẽ được trao đổi, chắc lọc trong buổi tọa đàm về liên kết phát triển du lịch tại địa phương”. Đây là một trong những hoạt động kích cầu du lịch tỉnh nhà.

Khu “Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền” và “Gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương” với nhiều món ăn đặc trưng, thể hiện được tinh túy ẩm thực khắp các vùng miền trên cả nước cùng những sản vật đặc trưng bản địa sẽ được chọn lựa phục vụ tại Festival năm nay. Đây không những là dịp để quảng bá điểm đến mà còn là cơ hội được trải nghiệm, thưởng thức sản vật vùng miền cho khách du lịch. Tất cả đều đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của tỉnh nhà.

Võ Thanh Thảo
 

Có thể bạn quan tâm