"Đại sứ" của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là sự kiện quan trọng của tỉnh Gia Lai và khu vực. Để góp phần cùng các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tổ chức thành công Festival, những ngày qua, Tỉnh Đoàn đã đứng ra tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ sự kiện này. Rất nhiều đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tham gia xét tuyển với mong muốn được trở thành “đại sứ” quảng bá hình ảnh địa phương đến đông đảo du khách gần xa.
Háo hức đăng ký xét tuyển
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 dự kiến sẽ thu hút hàng chục ngàn du khách trong nước và quốc tế. Để hướng dẫn, giới thiệu với du khách về các chương trình tại Festival cũng như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, ngoài lực lượng của các cơ quan, đơn vị được phân công còn cần có một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo. Được Ban tổ chức Festival tin tưởng giao nhiệm vụ tuyển chọn tình nguyện viên, Tỉnh Đoàn đã triển khai kế hoạch cho các Đoàn trường đại học, cao đẳng, trung cấp và Thành Đoàn Pleiku tiếp nhận đơn đăng ký xét tuyển từ ngày 20-9 đến 30-9. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, các tình nguyện viên phải có sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, nhiệt tình, năng động, hòa đồng; có ngoại hình dễ nhìn. Những tình nguyện viên đã có kinh nghiệm tham gia phục vụ các hoạt động lớn của Đoàn, của tỉnh, có thể giao tiếp cơ bản tiếng Anh, Jrai, Bahnar được ưu tiên lựa chọn.
Được trở thành một tình nguyện viên phục vụ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là niềm vinh dự lớn,  cũng là cơ hội để các đoàn viên thanh niên phát huy sự tự tin của bản thân.Vì vậy, tuy thời gian nộp đơn đăng ký ngắn nhưng đã có gần 300 bạn trẻ tham gia. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, từ ngày 5 đến 9-10, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiến hành phỏng vấn để tuyển chọn ra 150 tình nguyện viên phục vụ Festival tại các đơn vị: Thành Đoàn Pleiku, Đoàn trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Đoàn trường Trung cấp Y và Đoàn trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.
 Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các sinh viên tham gia phỏng vấn. Ảnh: P.L
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các sinh viên tham gia phỏng vấn. Ảnh: P.L
Tham gia phỏng vấn tại Thành Đoàn Pleiku, chị Phạm Thị Hồng Linh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi biết kế hoạch tuyển tình nguyện viên, tôi đã nộp đơn đăng ký, đồng thời, chuẩn bị vốn kiến thức để tham gia vòng phỏng vấn. Là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ, nếu được chọn, tôi tin mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, quảng bá được hình ảnh, văn hóa đặc sắc của Gia Lai đến bạn bè quốc tế”.
Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đó có nhiều sinh viên dân tộc Jrai, cũng tự tin đăng ký phỏng vấn. Em Bă-sinh viên Khoa Chăn nuôi thú y (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai) chia sẻ: “Em sống ở Plei Tiêng 2 (xã Tân Sơn). Là người bản địa nên em hiểu rất rõ văn hóa, phong tục của dân tộc mình. Em rất muốn trở thành tình nguyện viên phục vụ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội để chúng em bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng”.
Tham gia xét tuyển tình nguyện viên cùng với Tỉnh Đoàn, chị Hoàng Thị Thanh Hải (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Khi phỏng vấn, chúng tôi đặt ra các câu hỏi liên quan đến những kiến thức về văn hóa-xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các bạn còn được kiểm tra cách ứng xử, khả năng xử lý một số tình huống gặp phải trong khi làm tình nguyện viên. Sau khi phỏng vấn tại các trường, những thành viên tham gia tuyển chọn sẽ ngồi lại với nhau để chọn ra 150 tình nguyện viên xuất sắc nhất”.
“Đại sứ” quảng bá văn hóa
Theo kế hoạch, các tình nguyện viên sẽ đảm nhận công tác lễ tân, hướng dẫn đại biểu, các tổ chức, cá nhân tham dự Festival; hướng dẫn, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người Gia Lai; hướng dẫn, giới thiệu các chương trình tham quan, du khảo, sinh hoạt, các hoạt động lễ hội, địa điểm vui chơi, ẩm thực cho đại biểu, du khách.
Các tình nguyện viên chính là những trợ thủ đắc lực cho Ban tổ chức trong việc giúp đỡ, hướng dẫn và cung cấp thông tin cần thiết về Festival cho du khách. Họ cũng là “đại sứ” để du khách thập phương hiểu thêm về vùng đất và con người Gia Lai. Vì thế, 150 bạn trẻ vượt qua kỳ phỏng vấn sẽ được Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức về các lễ hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, con người Gia Lai; đồng thời, được tập huấn các kỹ năng ứng xử, giao tiếp với du khách. Sinh viên Nguyễn Thị Xuân (Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh) cho biết: “Em rất tự hào vì tại Gia Lai sắp diễn ra một sự kiện văn hóa lớn. Nếu được chọn, với trách nhiệm của một tình nguyện viên, em sẽ cố gắng hết sức để tạo dấu ấn tốt đẹp về tuổi trẻ tỉnh nhà trong lòng du khách”.
Với những tình nguyện viên được chọn là sinh viên, lịch học trùng với thời gian tổ chức Festival khiến họ khá lo lắng. Về vấn đề này, anh Nguyễn Thành Dương-Bí thư Đoàn trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai-cam kết: “Với những bạn được chọn, khi có văn bản triệu tập, nhà trường chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các bạn tham gia bởi đây là cơ hội để phát huy được sức trẻ”.
Trao đổi với P.V, anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Số lượng đoàn viên thanh niên tham gia phỏng vấn đông đã cho thấy sự quan tâm của giới trẻ đối với các sự kiện lớn của tỉnh. Đa số các bạn đều có sức khỏe tốt, có nhiệt huyết. Đặc biệt, một số bạn từng tham gia các chương trình tình nguyện, các phong trào lớn của Đoàn nên rất tự tin, khả năng giao tiếp, ứng xử tốt. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các tình nguyện viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, chung tay tổ chức thành công sự kiện văn hóa quan trọng này”.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm