Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên:Cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
Cà phê đường phố
Cà phê đường phố là một trong những chương trình nổi bật xuyên suốt của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Chủ trì chương trình này là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai. Ngay từ sớm, Công ty đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình công phu. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-cho biết: “Với vai trò là thành viên tham gia Festival lần này, chúng tôi đóng góp các ý tưởng về nội dung, truyền thông và tài trợ kinh phí tổ chức. Đặc biệt, Công ty giữ vai trò chủ trì tổ chức chương trình Cà phê đường phố với chủ đề “Organic to the world” nhằm tôn vinh cà phê từ thủ phủ Gia Lai”.
 Cà phê đường phố sẽ là một chương trình hấp dẫn, thú vị, qua đó giới thiệu đặc sản cà phê organic của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi
Cà phê đường phố sẽ là một chương trình hấp dẫn, thú vị, qua đó giới thiệu đặc sản cà phê organic của Gia Lai. Ảnh: Phương Vi
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, Công ty đặt 8 quầy phục vụ cà phê ở 4 địa điểm gồm: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng tỉnh, Công viên Đồng Xanh và Công viên Diên Hồng. Đây đều là những nơi diễn ra các hoạt động chính của Festival nên việc đặt các quầy cà phê tại đây sẽ rất thuận lợi để tiếp cận, giới thiệu đến du khách đặc sản cà phê sạch của Công ty. Ngoài ra, Vĩnh Hiệp còn triển khai 6 xe lưu động dọc các tuyến đường chính để phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức cà phê mọi lúc, mọi nơi. Trong thời gian này, tại các quầy và xe phục vụ, cà phê hữu cơ (organic) được bán với mức giá rất ưu đãi, chỉ từ 10.000 đồng/ly. Với quy mô tổ chức đã được tỉnh xét duyệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã bố trí gần 200 nhân sự để chuẩn bị cho sự kiện lần này, trong đó một phần đến từ các bạn tình nguyện viên tỉnh nhà.
Ông Thái Như Hiệp chia sẻ: “Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và thương hiệu Lamant Cafe. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội tổ chức một sự kiện lớn tại quê hương, là dịp để thương hiệu cà phê tỉnh nhà ra mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong nhiều hoạt động khác nhằm nỗ lực hết mình để sớm đưa Gia Lai trở thành thủ phủ cà phê, thành điểm đến của những tín đồ cà phê khắp nơi cũng như cùng xây dựng Gia Lai thành địa bàn trọng điểm, phát triển bền vững, phát huy thế mạnh ngành cà phê”.
Giới thiệu sản vật
1-11 Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là cơ hội quảng bá của các doanh nghiệp-ảnh Phương Linh
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là cơ hội quảng bá của các doanh nghiệp. Ảnh: Phương Linh
Cùng với các hoạt động văn hóa chính, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm nay còn có nhiều hoạt động bên lề giới thiệu sản vật địa phương. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã đăng ký tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đây đều là các sản phẩm có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, được các cơ quan chức năng kiểm chứng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Riêng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, organic, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu địa phương... được ưu tiên hơn cả. 
Đến với  Festival lần này, Công ty cổ phần Việt Nga (huyện Kbang) đăng ký tham gia trưng bày 2 sản phẩm đặc trưng là mật ong rừng và gạo lứt (gạo bọc thép). Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan-Giám đốc Công ty-cho hay, đây đều là những sản phẩm sạch, đảm bảo. Mật ong rừng do chính Công ty lấy hàng trực tiếp khai thác từ thiên nhiên, không qua khâu trung gian. Gạo lứt thơm ngon đặc biệt, tuy năng suất thấp nhưng là đặc sản của địa phương; hiện Công ty đã bao tiêu một cánh đồng tại xã Krong (huyện Kbang) để bà con chuyên tâm canh tác giống lúa này. Tại Festival năm nay, Công ty sẽ chủ động khoảng 200 lít mật ong rừng và 300-400 kg gạo lứt để trưng bày, giới thiệu và phục vụ. “Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là dịp để các sản vật của địa phương được tiếp cận với  đông đảo du khách trong nước và quốc tế, nhờ đó nâng tầm giá trị, được nhiều người biết đến và sử dụng nhiều hơn”-bà Lan tin tưởng.
Cùng giới thiệu mặt hàng gạo địa phương tại Festival lần này còn có Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) với đặc sản gạo Phú Thiện. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như chè (Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn); sản phẩm mật ong Phương Di, tinh bột nghệ vo viên mật ong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai (huyện Ia Grai); rượu đinh lăng (Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi)…
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm