Bạn đọc

Cần nhận thức đúng vai trò người cao tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo một số nhà nghiên cứu, người cao tuổi là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Điều này có phần đúng bởi người cao tuổi, do tuổi cao, sức yếu, hạn chế về tư duy, có phần bảo thủ, một số người hay lấy quá khứ của các thế hệ trước và bản thân làm chuẩn mực cho thế hệ hiện tại, rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm... Nhưng họ lại rất nhạy cảm với mọi ứng xử của xã hội, dòng họ, gia đình. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định về việc chăm sóc, bảo vệ, đi đôi với đó là phát huy tiềm năng kinh nghiệm sống của người cao tuổi để họ góp phần cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Những năm sau ngày đất nước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, tuổi thọ trung bình của nước ta cũng được tăng lên, đến năm 2007 đã lên đến 72 (tuổi thọ của người Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới gần 6%), người cao tuổi chiếm trên 9,45% dân số. Từ xưa đến nay, người cao tuổi ở nước ta luôn được tôn trọng. Ngay sau khi nước nhà độc lập (năm 1945), Bác Hồ đã cho thành lập Hội Phụ lão. Đến năm 1995, kế thừa Hội Phụ lão trước đây, Hội Người cao tuổi chính thức ra đời nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi người cao tuổi vào tổ chức Hội, thông qua sinh hoạt, động viên, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau sống vui, sống khỏe và hạnh phúc; sống có ích cho bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội... Đồng thời, động viên người cao tuổi đem kinh nghiệm, uy tín của mình góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước thương nòi cho thế hệ trẻ; đem sức lực, trí tuệ còn lại của mình tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 Bà Phạm Thị Hải Chuyền-Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trò chuyện cùng các già làng về tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T
Bà Phạm Thị Hải Chuyền-Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trò chuyện cùng các già làng về tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T
Biết khắc phục những điểm yếu của người cao tuổi như: sức khỏe ngày càng giảm, tư duy không phát triển, chủ nghĩa kinh nghiệm... thì đội ngũ này là một kho tàng trí tuệ nhân loại được đúc kết lại qua bao đời. Trong thực tế, chúng ta từng biết đến một Hội nghị Diên Hồng thời Trần (1285), với sự phân tích, đánh giá địch-ta, mà hội nghị ấy đã “ra nghị quyết” quyết tâm đánh thắng giặc Nguyên. Sau này, Bác Hồ và Đảng ta cũng đã nhận thấy vai trò to lớn của người cao tuổi trong xã hội. Bởi thế, có lần Bác đã nói: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì” (Tạp chí Cộng sản tháng 5-2009). Thực tế hiện nay cũng cho chúng ta thấy, vai trò, vị trí của người cao tuổi ở địa bàn dân cư vẫn luôn được phát huy. Xuất phát từ uy tín, lòng nhiệt tình và sức lực còn lại của những người cao tuổi mà cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, mời các cụ tham gia các hoạt động trong bộ máy hệ thống chính trị, hội, đoàn thể quần chúng, tham gia các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, tổ chức hòa giải, tham gia xử lý những mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng ở cơ sở; gương mẫu trong cuộc sống bản thân, giáo dục con cháu lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, công dân trong học tập, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Hiện nước ta đã có Luật Người cao tuổi và các văn bản pháp quy khác điều chỉnh về người cao tuổi, đặc biệt là trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi. Luật Người cao tuổi ra đời đã ngót 10 năm, song trên thực tế nhiều nội dung quy định vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đặc biệt là nhiều chính sách ưu đãi đối với người cao tuổi chưa được thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhiều địa phương, trong đó có tỉnh ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác người cao tuổi; thậm chí không ít cán bộ đương chức chưa nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước đối với người cao tuổi. Mỗi năm đến Ngày Người cao tuổi thế giới 1-10 lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng thọ... Qua ngày đó, mọi việc lại đâu vào đó. Một bộ phận người cao tuổi, vì sức khỏe, vì một lý do tế nhị nào đó, phải sống cô đơn, thiếu đói, con cháu, gia đình ruồng bỏ, thậm chí bạo hành, không nơi nương tựa. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nơi “lưu trú” tuổi già cho các cụ có hoàn cảnh đặc biệt như nói trên. Việc xã hội hóa chăm lo cho người cao tuổi, nhất là ở những tỉnh lẻ như Gia Lai thì càng không dễ, một lĩnh vực phi lợi nhuận, hiếm có nhà đầu tư bỏ vốn để làm!
Hy vọng sau khi tổng kết và bổ sung, sửa đổi Luật Người cao tuổi tới đây sẽ có sự thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của người cao tuổi trong mỗi gia đình, dòng họ; trong cộng đồng và cả nước về quyền, nghĩa vụ và vai trò người cao tuổi trong tình hình hiện nay được phát huy; công tác chăm lo, bảo vệ người cao tuổi được chú trọng; các chính sách ưu đãi người cao tuổi được triệt để thực hiện.
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm