Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Cánh chim đầu đàn" ở Kon Chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng cái tâm trong sáng và tấm lòng rộng mở, ông Hip-già làng Klah (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã dẫn dắt dân làng vượt qua gian khó để có cuộc sống mới ấm no. Ông được ví như cánh chim đầu đàn ở địa phương.

Đã hơn 75 năm gắn bó với vùng đất Kon Chiêng, hơn ai hết, già Hip hiểu rất rõ những khó khăn trong đời sống của bà con và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ông ngày đêm trăn trở, nghĩ ra nhiều cách vận dụng đúng đắn, linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tuyên truyền, vận động, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Ông Hip. Ảnh: Hà Đức Thành

Ông Đinh Y Rươm-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kon Chiêng: Già Hip là người rất có uy tín với dân làng. Ông là cánh chim đầu đàn của buôn làng, là điển hình về dân vận khéo, nhiều lần được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng.
 

Già Hip vận động bà con xây dựng nguồn quỹ chung của làng để cho hộ nghèo mượn vốn làm ăn; xây dựng mô hình “Cho mượn bò nuôi rẽ”. Với mỗi con bò giống mà hộ nghèo được nhận nuôi, sau khi đẻ bê thì trả lại bò mẹ cho làng để xoay vòng sang nhà khác. Có bò giống làm sinh kế, nhiều hộ đã từng bước gây dựng, phát triển đàn bò và thoát nghèo.


Anh Bzyich vẫn nhớ như in những ngày đói khổ khi vợ chồng ra ở riêng. Anh được già Hip khích lệ, ưu tiên cho vay vốn từ nguồn quỹ của làng để mua bò sinh sản; rồi bày cách cải tạo vườn tạp, trồng cây chuối, cây đậu... để có thêm thu nhập. Dưới sự chỉ dẫn tận tình của già Hip, sau vài năm, kinh tế gia đình anh Bzyich đã khá hơn rất nhiều. “Già Híp không chỉ giúp vợ chồng mình thành công mà còn tạo được niềm tin cho nhiều gia đình khác trong làng cùng làm theo, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Già làng và bà con còn tạo điều kiện cho mình vay 10 triệu đồng để nuôi bò, sau 5 năm đã bán được lứa bò đầu tiên giúp kinh tế ổn định hơn”-anh Bzyich cảm động bày tỏ.

Nói về việc làm của mình, già Hip bộc bạch: “Nghe lời Đảng và Bác Hồ, cái gì có lợi cho dân thì mình làm hoặc thấy cái gì hay thì mình áp dụng. Phải tuyên truyền, phải làm cho bà con thấy: không có chuyện không làm mà có cái ăn; phải lao động, biết học cái mới, cái hay thì mới thoát nghèo. Mình đi tuyên truyền như vậy thôi!”.

Không những thế, già Hip cũng dành nhiều tâm huyết, thời gian mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ để góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua mỗi nhịp chiêng, điệu xoang, câu chuyện kể, già Hip mong rằng đám con trai, con gái trong làng sẽ biết giữ gìn nét đẹp truyền thống của cha ông. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh tạo tiền đề cho sự phát triển ở tương lai. Từ lời nói hay việc làm vì cái chung, già Hip không những được bà con quý mến mà cấp ủy, chính quyền địa phương rất tin tưởng. Bằng uy tín và trách nhiệm với công việc, già luôn bàn bạc với hệ thống chính trị địa phương để có sự thống nhất và giải quyết thấu tình, đạt lý. Già Hip trải lòng: “Giờ già rồi, không làm được nhiều nữa, cũng không có tiền để cho thì mình phải chỉ cho đám trẻ biết cái gì tốt để làm, cái xấu thì tránh. Dân làng không được chia rẽ mà phải đoàn kết, giúp nhau làm ăn để cùng phát triển”.

 

 HÀ ĐỨC THÀNH
 

Có thể bạn quan tâm