Sau này, khi xem bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi thấy có hình ảnh cây cô đơn (cây vông đồng ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Lúc ấy tôi nhận ra, cái cây trên con đường về làng mình bao năm cũng đơn độc như thế. Và, chính nó đã dạy cho tôi những bài học cuộc đời.
Lần đầu tiên, tôi hỏi bố rằng, ai đã trồng cái cây này? Khác với sự hiểu biết của tôi bây giờ, lúc đó ông đã trả lời: “Đó là nhân duyên của đất trời”. Tôi tin là như thế, mỗi cái cây dù từ tay người gieo trồng hay do gió đưa hạt hoa về đều có duyên cả, chẳng có gì là vô cớ.
Minh họa: Huyền Trang |
Lại nhớ một buổi trưa đi học về, tôi bị hỏng xe đạp, dắt bộ mãi cũng tới nơi bóng mát. Lúc ấy, tôi chỉ biết kiếm được chỗ mát là ngồi nghỉ chứ đâu có nghĩ nhiều. Nhưng rồi, trước mắt tôi là những vết dao trên phần rễ cây nổi lên mặt đất. Ngước lên vòm xanh đang chắn “lửa” mặt trời rồi nhìn lại gốc cây, tôi thấy hổ thẹn với thiên nhiên. Giữa trưa nắng vắng tanh không một bóng người, chỉ còn tôi đối diện với lỗi lầm đấy. Có ai đó đã từng ngồi đây, dưới bóng mát này, trong lúc vui chuyện hay cần che giấu nỗi buồn thương mà băm những vết dao vô tâm đó chăng.
Lần thứ ba là khi tôi đi học xa. Chuyến xe muộn màng đưa tôi về trong một chiều giông gió. Ở miền núi, mưa đến rất nhanh, thoáng chốc đất trời đã tối sầm. Lúc này, cây một mình oằn mình trong gió bão, tôi cảm tưởng như đó là một người đang ghìm mái chèo đưa con thuyền vượt qua sóng dữ. Sau này, đi nhiều nơi, đọc sách nhiều hơn, tôi hiểu ra đó là thử thách để cây cứng cỏi hơn. Phải vượt qua sinh tồn, qua nguy nan ấy mới đủ cả sự linh hoạt và uyển chuyển. Hình ảnh đó cứ đọng mãi trong tâm trí như một bài học mới, chưa từng được học khi còn cắp sách đến trường.
Một hôm, trong câu chuyện qua điện thoại với tôi, mẹ bảo cái cây ấy chết rồi, đã thác sau bao nhiêu năm tuổi thì chẳng mấy ai biết nữa. Tôi bấm máy hỏi bố tôi, ông húng hắng ho nhưng tôi tin không phải vì trời lạnh. Ông bảo tôi hãy về, ông sẽ kể. Tôi trở về khi cái cây ấy chỉ còn là một đoạn gốc được người ta chặt bỏ bởi những vết cắt kết thúc một đời trụ vững trong mưa gió. Giờ thì, hai bố con tôi lại ngồi bên hiên nhìn ra khoảng trống nơi cái cây không còn nữa. Tôi tin lúc này tôi và bố, mỗi người đang nhìn thấy một cái bóng khác nhau, cái bóng cây trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi người.
Bố tôi nhấp một ngụm trà rồi trầm ngâm cất tiếng: “Cái cây cũng như người, không thể cô đơn mãi được, sẽ chết dần vì buồn tẻ”. Tôi thắc mắc: “Vì sao trong từng ấy năm, bố và mọi người không trồng thêm những cái cây bên nó?”. Ông bảo, vì ông cũng như bao người ở đây mải miết mưu sinh, mải miết vun đắp cái gốc của riêng mình mà quên một cái cây thường che bóng mát độ đường. Rồi ông hỏi lại, sao con nhiều chữ thế không viết một cái gì về nó để ngày sau những đứa trẻ lớn lên sẽ biết nơi đây từng có một cái cây như thế?
Bây giờ thì tôi đã có thể viết tiếp những câu thơ sau bao năm gián đoạn: “Cây cô đơn tự viết một bài thơ/Bài thơ ấy có hình bóng mát…”.