Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chi bộ Trường THCS Phạm Hồng Thái hạt nhân lãnh đạo dạy tốt, học tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học.
Nâng cao chất lượng chuyên môn 
Chi bộ Trường THCS Phạm Hồng Thái hiện có 33 đảng viên trong tổng số hơn 90 cán bộ, viên chức và nhân viên. Chi bộ thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên trong đoàn kết thực hiện nhiệm vụ được giao. Thầy Trần Tâm-Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhà trường đã đẩy mạnh việc đổi mới quản lý và phương pháp dạy học. Các tổ chuyên môn đã áp dụng nhiều giải pháp để dạy tốt và học tốt. Đặc biệt, với hơn 80 học sinh dân tộc thiểu số ở làng Ốp (phường Hoa Lư) theo học tại trường hàng năm, nhà trường thường xuyên phối hợp với địa phương vận động duy trì sĩ số và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung của ngành và địa phương”.
  Lãnh đạo UBND TP. Pleiku trao danh hiệu khen thưởng cho nhà trường. Ảnh: T.N
Lãnh đạo UBND TP. Pleiku trao danh hiệu khen thưởng cho nhà trường. Ảnh: T.N
Cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, trường còn triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa và đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho học sinh. Thầy Nguyễn Đông Nhựt-Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường đã tổ chức tốt các chương trình đố vui để học, giáo dục giới tính... cùng các hoạt động giáo dục ngoại khóa khác, thu hút đông đảo học sinh tham gia”. Nhà trường là đơn vị dẫn đầu khối trường học về số lượng bài tham gia và số giải thưởng trong cuộc thi tìm hiểu về căn cứ cách mạng khu 10 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Với sự nỗ lực của cả tập thể, nhà trường đã được công nhận và tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2014-2019. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2017-2018 đạt 100%, lên lớp thẳng 97,3%. Hàng năm, nhà trường có trên 100 học sinh đậu vào Trường THPT chuyên Hùng Vương. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, 3 năm học gần đây, trường có hơn 60 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và gần 340 em đạt giải cấp thành phố. Riêng năm học 2017-2018, có 65 em đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh, 6 em đạt giải cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh và thành phố, 6 em đạt giải cấp thành phố cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay.
Hưởng ứng phong trào “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, 3 năm học gần đây, nhà trường có 222 lượt giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường và 9 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 32 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Đồng thời, giáo viên của trường đã có hơn 40 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố.
“Đảng viên đi trước”
Là giáo viên tổ Vật lý, cô Trần Thị Sang đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin vào các giờ học, đưa thực tiễn cuộc sống vào bài dạy, giúp học sinh nhận thức tốt hơn. Cô Sang trao đổi: “Thị trường sách tham khảo và sách bài tập Vật lý nâng cao rất nhiều nên đôi khi gây khó khăn cho học sinh và giáo viên trong việc lựa chọn, sử dụng. Do đó, giáo viên phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài tập và phải tìm ra được phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng chủ đề kiến thức đối với từng đối tượng học sinh, từ đó giúp các em rèn luyện kỹ năng giải quyết các bài tập một cách hiệu quả”. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô Sang đã thành công khi ứng dụng thực tiễn, trong đó có sáng kiến về phương pháp giải bài tập phần cơ chất lỏng Vật lý lớp 8, giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhà trường phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: T.N
Nhà trường phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: T.N
Tổ Ngữ văn có cô giáo Nguyễn Thị Thủy nhiều năm là giáo viên giỏi cấp thành phố và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô đã nỗ lực bổ sung sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy môn Ngữ văn phù hợp với từng đối tượng học sinh, giải quyết những vấn đề liên quan về đổi mới phương pháp dạy và học ở trường THCS, giúp học sinh học tập tốt hơn. Cô còn chú trọng ứng dụng công nghệ vào soạn giảng giáo án điện tử, đưa thực tiễn cuộc sống vào bài dạy gắn với hình thành nhân cách và đạo đức cho học sinh.
Nỗ lực trong các phong trào thi đua và liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cô Đào Thị Phương Mai-giáo viên tổ Hóa-Sinh đã không ngừng học tập, nghiên cứu, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn. Cô Mai tâm sự: “Việc hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật hiện nay còn khá mới đối với giáo viên và cả phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhà trường phát động, nhiều học sinh đã hào hứng tham gia và đóng góp những ý tưởng phong phú, mang tính thực tiễn cao”. Trong số các đề tài nghiên cứu mà cô cùng nhiều nhóm học sinh dự thi đạt giải có đề tài “Nhà vệ sinh trường học xanh-sạch-đẹp, không ô nhiễm môi trường” thông qua hệ thống xả nước tự động. Sáng kiến này hiện đã được áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng.
Mặc dù rất bận rộn khi kiêm nhiệm vai trò Thư ký Hội đồng sư phạm nhà trường, cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết vẫn dành thời gian quan tâm giúp đỡ học sinh, nhất là những em có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu, học sinh dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách… góp phần thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Năm học vừa qua, cô Tuyết vinh dự đạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cô chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay từ đầu năm, cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm tìm hiểu đặc điểm tình hình của lớp, về đạo đức, học lực và cả hoàn cảnh gia đình của từng em để từ đó tiếp cận, gần gũi và có cách giáo dục phù hợp. Đồng thời, thường xuyên quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giúp các em học tập tốt hơn, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm