Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Già làng Đinh Chêh: "Mình phải đoàn kết, phải chung tay"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Không chỉ là đảng viên gương mẫu, ông Chêh còn là già làng rất được mọi người tin tưởng, yêu quý. Dù tuổi đã cao song ông vẫn luôn tích cực với các phong trào, hoạt động tại làng. Ông nắm bắt các chủ trương, đường lối rất nhanh và tuyên truyền đến người dân đầy đủ, kịp thời”-ông Nguyễn Nguyên Duẩn-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) nhận xét về già làng Đinh Chêh.
Những ngày này, làng Trớ đang thực hiện việc di dời nhà cửa và bố trí lại dân cư nên không khó để chúng tôi tìm gặp già làng Đinh Chêh. Đang ngồi nghỉ cạnh ngôi nhà sàn vừa được di dời về vị trí mới, ông Chêh vẫn không quên động viên tinh thần thanh niên, phụ nữ trong làng để công việc sớm hoàn thành. Ông nói với mọi người: “Làng mình được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện bố trí lại nhà cửa cho gọn gàng, rộng rãi, có đất trồng rau, nuôi bò... Bộ đội ở xa cũng về làng cùng ăn, cùng ở, không ngại việc khó, việc nặng để giúp bà con di chuyển nhà, làm hàng rào, làm chuồng bò... thì mình phải đoàn kết, phải chung tay”.
  Ông Chêh (bìa phải) đang động viên dân làng di dời nhà cửa về vị trí mới.             Ảnh: P.D
Ông Chêh (bìa phải) đang động viên dân làng di dời nhà cửa về vị trí mới. Ảnh: P.D
Ông Đinh Dung-Bí thư chi bộ làng Trớ: “Ông Chêh là già làng kiêm Phó Bí thư chi bộ nên tiếng nói của ông với bà con rất có sức nặng. Ông luôn nhắc nhở bà con phải đoàn kết, yêu thương nhau và tích cực lao động sản xuất để có cuộc sống tốt hơn. Mới đây, ông được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên”.

Theo ông Chêh, ban đầu cũng có một số gia đình ngại việc di dời nhà cửa vì tập quán xưa nay của người dân là con cái phải ở gần cha mẹ, sợ khi bố trí, sắp xếp lại sẽ ở cách xa nhau. Hiểu được điều này, ông cùng với cán bộ làng đã nêu ý kiến với địa phương để các gia đình được hoán đổi vị trí cho phù hợp, do đó tất cả đều vui vẻ, đồng thuận. “Với một số trường hợp lười lao động, thích nhậu nhẹt, làng áp dụng hình phạt tiền. Cụ thể, ai vắng mặt không tham gia di dời nhà cửa thì nộp phạt 100 ngàn đồng cho làng. Phần vì sợ nộp phạt, phần vì xấu hổ với những người xung quanh nên cứ sáng sớm là tất cả mọi người đều tập trung đầy đủ và tham gia cùng bộ đội”-ông Chêh cho hay.
74 mùa rẫy, ông Chêh có hơn 14 năm làm Trưởng thôn, hơn 6 năm làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã và 10 năm làm Bí thư chi bộ làng. Theo ông Chêh, trước kia, làng Trớ thuộc xã Hbông và có khoảng thời gian ngắn thuộc xã Ayun (huyện Chư Sê). Mãi đến năm 1995, làng mới thuộc địa giới hành chính của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Dân làng Trớ sống dưới chân núi Chư Hoai, đất đai cằn cỗi nên việc trồng trọt rất khó khăn, người dân chủ yếu trồng lúa 6 tháng. Chỉ tay về phía lòng hồ Ayun Hạ, ông Chêh bộc bạch: “Để bơm nước từ dưới lòng hồ lên đòi hỏi kinh phí lớn lắm. Do đó, đa phần người dân trong làng vẫn canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, số hộ nghèo vẫn còn cao với 47 hộ”. Trước tình hình đó, ông đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để cải thiện cuộc sống. Đến nay, thay vì chỉ trồng lúa 6 tháng, 115 hộ dân trong làng còn tập trung canh tác cây mì, đậu đỗ các loại. 5 năm trước, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt gần 4 triệu đồng/năm, đến nay đạt gần 9 triệu đồng/năm.
Cùng với việc vận động bà con chăm lo lao động sản xuất, hàng ngày, ông cũng không quên nhắc nhở các gia đình có con em trong độ tuổi lao động và đến trường phải siêng năng. Vì không lao động sẽ đói nghèo, không học tập sau này muốn ra khỏi làng đi làm công nhân cũng không có nơi nào nhận. “Lúc trước, cháu nào học cao nhất cũng chỉ hết lớp 9. Tuy nhiên hiện nay đã có vài cháu đang theo học lớp 11, lớp 12 rồi”-già làng Chêh phấn khởi. Một trong những điều khiến ông Chêh luôn cảm thấy tự hào ở ngôi làng của mình, đó là bà con rất đoàn kết và trong làng rất hiếm khi xảy ra tình trạng trộm cắp. “Thỉnh thoảng, trong làng cũng có những mâu thuẫn, xích mích do chồng uống rượu say về to tiếng với vợ, anh em quá chén dẫn đến lời qua tiếng lại... Nhờ có già Chêh phân tích, hòa giải nên mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa, anh em lại vui vẻ hòa thuận, vợ chồng cũng không bỏ nhau”-ông Đinh Yek-một người dân trong làng-chia sẻ. 
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm