Thời sự - Bình luận

Khi học phí ở trên trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Học phí một số trường Đại học công lập đang tăng chóng mặt, tăng với mức “ở trên trời” mà tỉ lệ “gấp 4-5 lần” có lẽ chỉ là một ví dụ.

 

Từ 13 triệu đồng/năm, học phí ĐH Y Dược TPHCM năm nay đã lên từ 30-70 triệu đồng/năm tùy ngành.

Mức học phí ngành răng hàm mặt khoa y - ĐH Quốc gia TPHCM, thậm chí còn lên đến 88 triệu đồng/năm.

Rồi, rất sốc, rất bất ngờ: ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Bách Khoa... đều lần lượt công bố học phí niên học tới, và đều tăng.

Lý do việc học phí tăng sốc được giải thích là “cơ chế tự chủ”.

Trên truyền thông, GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn gọi mức học phí gần 90 triệu đồng/năm là mức “trên trời”, không chấp nhận được mà tự chủ chỉ là cái cớ.

Lập luận của TS Phạm Phố đơn giản nhưng chính xác: Các trường công lập được Nhà nước lo cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, không phải đóng thuế... Học phí thu được được quyền chi tiêu tất cả, không thậm chí hoàn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị... cho Nhà nước.

Trong khi đó, các trường tư phải lo tất, từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cho đến thuế má... Vậy mà mức học phí mới, nhiều trường công có mức học phí còn cao hơn cả trường tư.

Và TS Phạm Phố gọi đó là một sự vô lý, một bất công mà sau cùng, người chịu đựng gánh nặng này là phụ huynh, là sinh viên.

Năm ngoái, phát biểu tại lễ khai khóa ĐH Quốc gia TPHCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Tự chủ không có nghĩa là để trường “tự bơi, tự lo hết” và cũng không có nghĩa là tăng học phí vô tội vạ, mở ngành tràn lan... Việc tăng học phí phải có lộ trình.

Vậy mà không có lộ trình nào hết, hoặc nếu có, thì đó là lộ trình “sau một đêm” như cách nói của dân.

Chi phí nhà nước cho giáo dục không ít- chiếm khoảng 20% ngân sách. Tỉ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở Mỹ chỉ 21%, Singapore chỉ 28%, Hàn Quốc là 13%.

Chi tiêu cho giáo dục từ túi dân, từ những ông bố bà mẹ phải chắt chịu từng đồng cho con đi học - có thời điểm tương đương 3% GDP, trong khi tỉ lệ tương ứng của Mỹ chỉ là 1,9%, của Pháp là 0,4%, của Nhật Bản là 1,2%.

Khi dân nhìn mức tăng học phí năm nay bằng một chữ “choáng” thì có lẽ, mức phí này đang nằm ngoài sức chịu đựng của số đông.

Đừng để hai chữ tự chủ đối với dân chỉ là tăng học phí vô tội vạ, mức tăng ở trên trời. Bởi như thế, có nghĩa là đóng sập cánh cửa đại học với không ít học sinh.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-hoc-phi-o-tren-troi-811056.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm