Thời sự - Bình luận

Công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng: Còn hạn chế, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng-chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đơn vị, địa phương đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng-chống tham nhũng.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ảnh nguồn TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng (ảnh nguồn TTXVN)


Cùng với các giải pháp phòng ngừa, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng cũng được tăng cường với tinh thần nhất quán, công tâm và công bằng. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra 3 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có dấu hiệu vi phạm; qua đó đã thi hành kỷ luật 1 đảng viên bằng hình thức khiển trách.

Cũng trong thời gian qua, ngành Thanh tra đã triển khai 72 cuộc thanh tra tại 130 đơn vị và đã kết thúc 49 cuộc tại 97 đơn vị. Qua thanh tra, ngành chức năng đã phát hiện sai phạm về tài chính tại 31 đơn vị với tổng số tiền gần 12,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước với số tiền gần 3,4 tỷ đồng, kiến nghị khác trên 9,5 tỷ đồng. Cùng với việc xử lý số tiền vi phạm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm 19 tập thể và 26 cá nhân.

Thông qua đơn thư phản ánh, tố cáo, Công an tỉnh xác định 1 trường hợp tố cáo đúng và đang đề nghị xử lý kỷ luật 1 trường hợp. Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra hai cấp đã thụ lý 7 vụ/15 bị can, trong đó đã giải quyết 4 vụ/11 bị can. Đặc biệt, trong 6 tháng qua, các đơn vị, địa phương đã xử lý trách nhiệm 2 trường hợp là người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tuy đã được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, song trên thực tế, công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng vẫn còn một số mặt hạn chế, bất cập và đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu trong khu vực công vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thực trạng này đang làm xói mòn niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm như: quản lý đất đai; quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, sử dụng ngân sách; quản lý tài sản công…

Cũng theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Cùng với đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện do chưa có quy định cụ thể của Trung ương.

Phân tích các số liệu liên quan đến công tác phòng-chống tham nhũng thời gian qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng chủ yếu thông qua hoạt động thanh-kiểm tra và đơn thư phản ánh, tố cáo của công dân. Trong khi đó, hoạt động tự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị lại không phát hiện hành vi tham nhũng. Đặc biệt, hoạt động giám sát của HĐND các cấp cũng chưa phát hiện vụ việc tiêu cực, tham nhũng nào.

Để công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng phát huy hiệu quả thực chất, thiết nghĩ, các đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng-chống tham nhũng; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan này.

Rõ ràng, công cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng ở tỉnh ta nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phải tích cực tham gia, hưởng ứng. Vì vậy, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng diễn ra mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng hơn nữa.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng phải phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội để góp phần lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy mới; làm khẩn trương, có trách nhiệm, giữ vững nguyên tắc và có lý, có tình, có tính thuyết phục; cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, không để lọt vào cấp ủy các cấp, vào Trung ương những người không xứng đáng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn…

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm