Bạn đọc

Kbang: Vỡ nợ hàng tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban Nhân dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) xác nhận, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã đã liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ nợ với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Điều đáng nói là thời gian xảy ra cách nhau chỉ khoảng 3 tháng và các chiêu thức, thủ đoạn vay mượn không khác mấy.

Ngôi nhà luôn trong tình trạng khóa cổng im lìm từ khi vợ chồng bà Lan bỏ đi. Ảnh: Hồng Thi
Ngôi nhà luôn trong tình trạng khóa cổng im lìm từ khi vợ chồng bà Lan bỏ đi.
Ảnh: Hồng Thi

Lạm dụng sự tín nhiệm

Vụ đầu tiên xảy ra vào đầu tháng 2-2015 khi Công an xã Đak Hlơ nhận được hàng loạt đơn kiến nghị của người dân tố cáo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1984, trú tại thôn 4, xã Đak Hlơ) vay nợ không trả. Số tiền thống kê được gần 2 tỷ đồng; trong đó, người nhiều nhất là 500 triệu đồng, thấp nhất là 20 triệu đồng. Với những lý do như: sửa chữa xe chở mía, thanh toán tiền công chặt mía, mua nhiên liệu, khám lưu hành cho xe và đáo hạn ngân hàng… bà Lan đã khiến không ít người nhẹ dạ cả tin giao cho mình số tiền lớn chẳng chút ngần ngại. Đến khi bà này tuyên bố không còn khả năng trả nợ thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

 

Những tờ đơn kiến nghị của người dân trình bày vụ việc bà Luận vay mượn tiền nhưng không trả. Ảnh: Hồng Thi
Những tờ đơn kiến nghị của người dân trình bày vụ việc bà Luận vay mượn tiền nhưng không trả. Ảnh: Hồng Thi

Trong khi vụ việc trên chưa giải quyết xong thì vào giữa tháng 5-2015, Công an xã Đak Hlơ lại tiếp tục tiếp nhận 14 đơn kiến nghị liên quan đến vụ vay mượn nhưng không trả của vợ chồng bà Đỗ Thị Luận-ông Hồ Văn Tùng (hộ khẩu thường trú tại thôn 5, xã Đak Hlơ) và hiện vợ chồng này đã rời khỏi địa phương, không liên lạc được. Số nợ mà vợ chồng Tùng-Luận vay từ một số hộ dân trong và ngoài địa bàn là 2,280 tỷ đồng cùng 5 chỉ vàng (cao nhất là hộ ông Lê Đăng Rực-tổ dân phố 10, thị trấn Kbang-với số tiền 734 triệu đồng). Ngoài ra, vợ chồng bà Luận còn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang 42 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang 450 triệu đồng; cả 2 nơi đều đã quá hạn trả nợ.

Theo chia sẻ của các chủ nợ, cả hộ Lan-Hùng và Tùng-Luận đều làm đại lý thu mua mía có uy tín lâu năm tại địa phương. Trước đây, họ cũng từng vay mượn của một số người dân trên địa bàn xã để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng đều trả đầy đủ, đúng hẹn. Chính điều ấy đã giúp bà Lan cũng như bà Luận nhận được sự tín nhiệm của nhiều người. Nếu bà Lan đa phần sử dụng chiêu trò cho vay nặng lãi để vay tiền thì bà Luận lại cốt yếu lợi dụng lòng tin và sự thân thiết của anh em, hàng xóm, đồng hương để mượn tiền.

 

Hiện vợ chồng bà Luận đã rời khỏi địa phương nhưng các con bà vẫn ở lại nhà. Ảnh: Hồng Thi
Hiện vợ chồng bà Luận đã rời khỏi địa phương nhưng các con bà vẫn ở lại nhà. Ảnh: Hồng Thi

Ông Nguyễn Văn Phúc-Trưởng Công an xã Đak Hlơ, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của vụ việc cũng như trên cơ sở đơn tố cáo của người dân, chúng tôi đã tiến hành xác minh lại vấn đề và có báo cáo lên huyện Kbang để có hướng xử lý kịp thời; đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã vận động, tuyên truyền các chủ nợ giữ bình tĩnh nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện cả 2 vụ án đều được Công an huyện Kbang tiếp nhận và đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Tiền mất tật mang

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, số tiền mà bà Lan và bà Luận vay còn cao hơn con số thống kê trên, bởi lẽ vẫn còn nhiều trường hợp không làm đơn trình báo với chính quyền địa phương.

Những lời hứa hẹn ngọt ngào ngày nào giờ đây đã theo vợ chồng Lan-Hùng, Tùng-Luận bay theo gió; chỉ còn lại mấy tờ giấy viết tay đơn giản chẳng biết bao giờ có thể đòi lại khoản tiền mà mình đã cho vay. Đáng nói hơn, nhiều người không có sẵn tiền còn đi vay nợ để cho bà Lan vay lại, hưởng chênh lệch; một số khác thì vì vương tình làng xóm, nghĩa đồng hương mà sẵn sàng cho bà Luận mượn sổ đỏ đi vay ngân hàng. Để rồi khi mọi chuyện vỡ lẽ, họ vừa tự trách bản thân cả tin, vừa phải loay hoay tìm đường trả nợ. Nguyện vọng chung của họ là mong các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ vụ việc, giúp họ lấy lại khoản tiền của mình.

 

Chị Thảo buồn bã khi có nguy cơ mất số tiền 500 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi
Chị Thảo buồn bã khi có nguy cơ mất số tiền 500 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi

Chị Nguyễn Đặng Nguyên Thảo (thôn 2, xã Đak Hlơ) là người cho bà Lan vay số tiền 500 triệu đồng. Chị Thảo tâm sự, đầu tiên bà Lan chỉ hỏi vay của chị một khoản tiền nhỏ từ 10-20 triệu đồng và trả cả gốc lẫn lãi đầy đủ, đúng hẹn, thường không quá 10 ngày. Về sau, khi số tiền vay lên đến 150 triệu đồng rồi 500 triệu đồng thì bà Lan chỉ trả tiền lãi một vài lần, còn khất lại tiền gốc. “Đến 9 giờ sáng 26-1-2015 thì Lan gọi điện thoại cho tôi bảo bể nợ. Tôi hụt hẫng, cùng với một vài người có đi tìm Lan nhưng không thấy. Vì mới xây nhà xong nên trong gia đình chẳng còn nhiều tiền, số tiền tôi cho Lan vay đa phần là đi vay lại của người khác. Giờ họ biết Lan không còn khả năng trả nợ nên tới tấp đòi tôi phải trả. Nhờ cha mẹ 2 bên vay mượn giùm, tôi mới trả được 50% tiền gốc, còn lại thì vẫn phải kiếm tiền trả lãi hàng tháng cho họ”-chị Thảo bày tỏ trong nước mắt.
 

Bà Lý bức xúc kể lại sự việc. Ảnh: Hồng Thi
Bà Lý bức xúc kể lại sự việc. Ảnh: Hồng Thi

Một trường hợp khá éo le khác là hộ ông Đặng Văn Tuyến-bà Lâm Thị Lý (thôn 5, xã Đak Hlơ). Vừa thoát diện hộ nghèo được 2 năm, gia đình ông Tuyến cũng chẳng dư giả gì. Tháng 5-2014, vợ chồng ông có vay của người cháu ở Bình Phước 60 triệu đồng (lãi suất 5%) để về chi tiêu và chữa bệnh cho ông Tuyến. Thế nhưng chưa kịp lên đường đi chữa trị thì bà Luận ngỏ ý vay lại 40 triệu đồng, hứa đến tháng 11 cùng năm thu hoạch mía xong sẽ trả. Bà Lý tâm sự: “Lúc đó tôi không đồng ý vì mục đích vay tiền của mình là để chữa bệnh nhưng chồng tôi vì thương tình đồng hương mà khuyên tôi khất thời gian chữa bệnh lại vài tháng để giúp đỡ bà ấy qua khó khăn. Bà Luận cũng chỉ phải trả 5% lãi mỗi tháng để tôi gửi vào Bình Phước trả lại cho người ta, chứ tôi cũng chả lấy thêm đồng nào. Đến nay bà không trả được, bỏ đi, tôi phải ôm tiền mất tật mang”.
 

Công an huyện đang tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc của bà Luận. Ảnh: Hồng Thi
Công an huyện đang tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc của bà Luận. Ảnh: Hồng Thi

Không những thế, trước đó, vợ chồng ông Tuyến có thế chấp ngôi nhà đang ở để vay 250 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank huyện Kbang mua 1,25 ha đất của bà Luận cho con trai làm ăn. Tiền đã đưa đủ song bà Luận chưa sang tên cho con ông Tuyến. “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất đó đã bị bà Luận đem thế chấp cho Ngân hàng Saccombank-Phòng Giao dịch tại thị xã An Khê để vay tiền. Nếu quá hạn ngân hàng bên An Khê mà bà Luận không trả tiền có nguy cơ chúng tôi mất đất; còn đến hạn ngân hàng bên Kbang mà chúng tôi không có tiền trả chắc cũng bị mất nhà. Vì tin tưởng nên giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 2 bên cũng chỉ viết tay và không hề có công chứng. Vợ chồng tôi sắp trắng tay rồi”-bà Lý lắc đầu ngậm ngùi.

Hiện nay các chủ nợ đang trông đợi vào xử lý của các cơ quan chức năng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm