Chính trị

Quốc phòng - An ninh

TP. Pleiku: Hơn 1,2 tỷ đồng thực hiện dự án khoa học và công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-5, ông Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai dẫn đầu đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2018.

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP. Pleiku đã được quan tâm đúng mức và mang lại nhiều kết quả. Từ 2016-2018, thành phố đã triển khai 5 dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng ICM”, “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm và nâng cao kỹ thuật chăm sóc trong sản xuất tiêu bền vững”, “Trồng dâu tây trong nhà lưới và trồng cà chua ghép trên gốc cà tím kết hợp với tưới nước tiết kiệm”, “Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, vườn tiêu nhằm cân bằng hệ sinh thái vườn cây”, “Tưới nước tiết kiệm cho cây trồng trên địa bàn”. Tổng kinh phí thực hiện của tất cả dự án gần 2,1 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hơn 1,2 tỷ đồng, còn lại do người dân tự đóng góp. Các dự án này đều chủ yếu tập trung vào phục vụ đời sống sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động sản xuất theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, hàng năm, thành phố còn đầu tư nguồn kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; đào tạo cho 100 người dân tại vùng sản xuất rau tại các xã An Phú, Trà Đa về kiến thức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt trên cây rau; đào tạo cho các hộ dân chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học…

 Đoàn khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất nấm của người dân tại xã Diên Phú. Ảnh: Hồng Thi
Đoàn khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất nấm của người dân tại xã Diên Phú. Ảnh: Hồng Thi



Kết luận buổi làm việc, ông Đặng Phan Chung cho rằng, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, vườn tiêu chưa thể đánh giá hiệu quả vì mới thực hiện; cần nhân rộng dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng ICM” cho người dân vì đạt kết quả khả quan; không nên hỗ trợ quá nhiều cho một hộ dân để tránh sự trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Thành phố nên chọn những mô hình phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị khi thực hiện dự án, giữa cơ quan chuyên môn của Nhà nước với người dân cần có hợp đồng. Sở Khoa học và Công nghệ cần sớm nghiên cứu xem nên thành lập Hội đồng Khoa học-Công nghệ cho từng dự án hay theo chu kỳ 5 năm để trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ cho các địa phương dễ thực hiện; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu tham mưu vấn đề nên kết hợp 2 nguồn vốn khuyến nông và vốn khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp thành một…

Trước đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế 2 mô hình tại xã Diên Phú là sản xuất nấm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng ICM-quản lý cây trồng tổng hợp; mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng tại phường Thắng Lợi.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm