Thời sự - Bình luận

Chặt tận gốc cơ chế xin - cho

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ trì hội nghị lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM vào sáng 3-2,

Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nói đến cơ chế xin - cho khi đại diện Bộ Nội vụ báo cáo về việc xin ý kiến các bộ, ngành đối với 9 lĩnh vực cần phân cấp cho TP HCM.

"Cái gì giao được cho thành phố thì làm chứ không ôm vào làm gì. Cứ ôm rồi tạo cơ chế xin - cho, phát sinh môi trường tiêu cực, sau đó phải thanh, kiểm tra mất cán bộ, tốn thời gian" và: "Vừa rồi thanh tra, điều tra nhiều, phải giải trình, báo cáo. Cứ để cơ chế xin - cho thì cứ phải báo cáo, giải trình liên tục. Vì xin - cho là cơ chế dễ tạo ra môi trường tiêu cực. Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ dễ làm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm".

Năm ngày trước đó (29-1), tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu tạo môi trường phát triển lành mạnh, tránh xin - cho và phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Cơ chế xin - cho có nguồn gốc từ thời phong kiến, khi quyền lực tập trung vào tầng lớp vua quan thống trị, có đặc quyền ban phát lợi ích cho giai cấp bị trị. Theo thời gian, qua nhiều hình thái xã hội, cơ chế này không hề mất đi, chỉ biểu hiện dưới các dạng thức khác nhau. Vào thời bao cấp, cơ chế xin - cho còn biểu hiện khá rõ và lẽ ra trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ chế này không còn đất "sống" nhưng trên thực tế nó biến ảo thiên hình vạn trạng, là căn nguyên của tiêu cực; làm tha hóa con người, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Vì vậy, phải quyết tâm xóa bỏ nó. Mà quyết tâm thôi thì chưa đủ, cần có cách làm đúng. Trong đó, kiểm soát quyền lực và phân cấp, phân quyền thực sự chính là những giải pháp phù hợp. Trong bộ máy hành chính nước ta hiện nay, những cán bộ, công chức được giao quyền lực lớn, đứng đầu các cấp/ ngành/ địa phương thay mặt Nhà nước thi hành quyền quản lý công sản, phân bổ vốn, quyết định nhân sự… đều luôn thường trực nguy cơ lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Tức là rất dễ bước qua lằn ranh vi phạm pháp luật. Do vậy, nếu quyền lực của họ không được giám sát độc lập và bản thân quan chức không giữ được mình, để "tự chuyển hóa" thì cái xấu dứt khoát sẽ nảy sinh.

Và, như Thủ tướng đặt câu hỏi "cứ ôm vào làm gì?", chúng ta đang thấy trên thực tế có tình trạng cát cứ quyền lực, không muốn phân cấp, phân quyền cho bên dưới vì sợ mất quyền lực, mà mất quyền lực thì không còn ai tới mà "xin" nữa; khi chẳng còn quyền lực để "cho" tức là mất quyền lợi. Suy cho cùng, đó là vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Tham nhũng biểu hiện ngay từ trong tư duy là vậy!

Trong những vụ án hình sự, kinh tế đã bị điều tra, xét xử vừa qua có nhiều vụ thấy rõ bóng hình của cơ chế xin - cho. Đó là gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực. Chặt tận gốc, trốc tận rễ cơ chế này sẽ góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm