(GLO)- Ngày 28-4-1987, Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh, trực thuộc Hải quan tỉnh Nghĩa Bình (nay là Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) được thành lập theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Sau 30 năm nỗ lực xây dựng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong nhiệm vụ quản lý hải quan với phương châm: “Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả”.
Những ngày đầu gian khó
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: H.D |
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Tại Gia Lai, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, mở rộng giao thương với nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế với nước bạn Campuchia cũng như trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, được sự nhất trí của Tổng cục Hải quan và UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Hải quan tỉnh Nghĩa Bình đã xúc tiến việc khảo sát và đề nghị thành lập Hải quan cửa khẩu Lệ Thanh. Ngày 28-4-1987, Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh chính thức ra đời. Đến tháng 5-1990, Hải quan tỉnh Gia Lai-Kon Tum được thành lập và Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh chuyển về trực thuộc Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), tiếp giáp là Cửa khẩu Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Campuchia).
Công tác thu ngân sách qua các năm:
|
Ngày đầu mới thành lập, Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh gặp vô vàn khó khăn. Lúc này, chính sách, pháp luật quản lý về ngoại thương và quản lý thuế chưa hoàn thiện. Đơn vị ở xa cấp trên trực tiếp, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, công chức cũng thiếu và chưa đồng bộ. Địa hình rừng núi hiểm trở, vào mùa mưa đường sá lầy lội, giao thông đi lại khó khăn. Với khí hậu khắc nghiệt, khu vực Đức Cơ là điểm nóng về bệnh sốt rét, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, do đó thời kỳ này gần như 100% cán bộ, công chức công tác tại đơn vị đều phải trải qua những cơn sốt rét rừng, có những trường hợp phải điều trị dài ngày mới trở lại đơn vị làm việc. Tuy vậy, cán bộ, nhân viên ở đây luôn xác định phải nỗ lực hết sức, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 1996-2009, nước ta mở rộng giao lưu kinh tế với nhiều nước trên thế giới, hoạt động thương mại quốc tế được mở rộng, Luật Hải quan ra đời, hàng hóa xuất nhập khẩu được mở ra nhiều loại hình khác nhau. Với mục đích tạo thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch và thu hút đầu tư của 2 nước Việt Nam-Campuchia, thúc đẩy quá trình kết nối cộng đồng ASEAN, ngày 13-3-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 306/QĐ-TTg nâng cấp cửa khẩu quốc gia thành Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Nỗ lực trên mọi lĩnh vực
Lực lượng Hải quan phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Ảnh: H.D |
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều khó khăn, thử thách, tập thể cán bộ, công chức Chi cục không ngừng phấn đấu để từng bước trưởng thành. Khi mới thành lập, biên chế của đơn vị có 12 người, chủ yếu là bộ đội chuyển ngành, trình độ học vấn chỉ mới tốt nghiệp cấp III là chủ yếu. Đến nay, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được biên chế 35 cán bộ. Mỗi cán bộ, công chức không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại.
Trong thực hiện quản lý nhà nước về hải quan, đơn vị luôn tuân thủ các quy định về chế độ chính sách, quy định, quy trình nghiệp vụ hải quan liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan đối với các hoạt động thương mại, bảo vệ cộng đồng và an ninh quốc gia, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, với phương châm: “Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả”.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu được áp dụng theo phương pháp quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu; thông quan, giải phóng hàng nhanh chóng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Công tác quản lý thuế được đặc biệt chú trọng bằng việc triển khai cho cán bộ, công chức thực hiện tốt quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nhà nước về thủ tục hải quan, thủ tục thuế, từ đó góp phần đảm bảo nguồn thu thuế tại đơn vị, thu đúng, thu đủ thuế và nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước. Trong những năm gần đây, số thu nộp ngân sách nhà nước năm sau luôn đạt cao hơn năm trước, hàng năm đơn vị đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được cấp trên giao.
Trong giai đoạn 1992-2006, tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại, động vật hoang dã, gỗ, xăng dầu... qua khu vực biên giới trở nên phức tạp. Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, Hải quan Cửa khẩu Lệ Thanh đã phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, thu giữ hàng triệu gói thuốc lá ngoại và hàng chục khẩu súng quân dụng. Nhờ vậy, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới giảm dần.
Thực hiện kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa hải quan của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, trong những năm gần đây, Chi cục đã chủ động chuyển đổi từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý điện tử hiện đại, từ việc thực hiện khai báo hải quan từ xa qua mạng đến thủ tục hải quan điện tử và triển khai vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS. Bên cạnh đó, Chi cục luôn tuân thủ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 vào công tác quản lý.
Trao đổi với P.V về định hướng công tác trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Hải-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho biết: “Chi cục sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum trên các mặt công tác, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan; triển khai hệ thống một cửa quốc gia (NSW) và một cửa ASEAN (ASW) trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước. Đồng thời xây dựng lực lượng Hải quan có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ công nghệ, trang-thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính, được tổ chức, quản lý một cách khoa học, gắn nhu cầu thực tiễn của vị trí công tác với năng lực từng cá nhân. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác thu; nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, thu hút doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần đảm bảo lợi ích quốc gia và nguồn thu ngân sách nhà nước”.
Hà Duy