Multimedia

Emagazine

E-magazine “Chìa khóa vàng” để xuất khẩu nông sản



Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói có vai trò rất quan trọng, là điều kiện bắt buộc đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp, HTX xây dựng, phát triển mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.



Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.769,15 ha và 32 mã số cơ sở đóng gói với công suất đạt 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày, tăng 51 mã số vùng trồng và 10 cơ sở đóng gói so với cuối năm 2022. Trong đó, chanh dây có 32 mã số vùng trồng với diện tích 877,24 ha; mít 10 mã với diện tích 1.285,2 ha; sầu riêng 17 mã với diện tích 360 ha; chuối 26 mã với diện tích 3.016 ha; xoài 6 mã với diện tích 308 ha; thanh long 8 mã với diện tích hơn 547 ha; ớt 20 mã với diện tích 291,1 ha; dưa hấu 9 mã với diện tích hơn 735 ha và khoai lang 18 mã với diện tích 346,2 ha. Các huyện có nhiều mã số vùng trồng gồm: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Grai… Nhờ xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…


Đầu năm 2022, Công ty TNHH Nông sản Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã đầu tư liên kết với nông dân huyện Đak Pơ để xây dựng vùng nguyên liệu ớt phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Công ty bắt tay vào việc xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, Công ty đã liên kết với bà con nông dân xây dựng được 9 mã vùng trồng ớt với tổng diện tích gần 100 ha. Ông Nguyễn Văn Phúc-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: “Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất được chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, hoạt động xuất khẩu ớt của Công ty khá thuận lợi”.

Không những khẳng định được vị thế sản phẩm sầu riêng tại thị trường trong nước, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cũng đã xây dựng được 6 mã vùng trồng với tổng diện tích 177 ha. Đây là “thẻ thông hành” để sản phẩm sầu riêng Đại Ngàn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX-cho hay: “Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, khi bắt tay xây dựng mã số vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu, HTX gặp khá nhiều thuận lợi”.



Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thái Bình, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ ớt rất lớn. Thời gian tới, Công ty mong muốn được chính quyền các cấp tạo điều kiện để mở rộng liên kết cũng như phát triển thêm mã số vùng trồng. “Bên cạnh phát triển thêm mã số vùng trồng, chúng tôi cũng chú trọng giữ vững các mã số đã được cấp nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, chúng tôi luôn có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác như có nhật ký ghi chép, áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu”-ông Phúc cho hay.



Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Những năm gần đây, huyện chú trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, cây sầu riêng của huyện đã được cấp 6 mã số vùng trồng trên địa bàn xã Ia Blứ. Đây là điều kiện thuận lợi để sầu riêng Chư Pưh xuất ngoại.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-thông tin: Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản chủ lực. Trong đó, tập trung ưu tiên 5 loại nông sản chủ lực gồm: sầu riêng, chanh dây, khoai lang, chuối và ớt. Dù vậy, quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn như diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; người dân chậm thay đổi tư duy sản xuất; việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa đồng nhất… Thời gian tới, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc quản lý, củng cố, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, hướng dẫn quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan; kiểm tra, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phổ biến sâu rộng quy định nhập khẩu của các thị trường trên thế giới, nhất là quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu”.



“Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến nông hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp, HTX canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, ghi chép hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng dữ liệu quốc gia do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch”-ông Khải thông tin thêm.



Có thể bạn quan tâm