Khi được người dân trong vùng gọi là “tỷ phú chân đất”, ông Phan Văn Chạo (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) chỉ cười hiền khiêm tốn. Ông đưa đôi tay chai sạn của mình lên ngắm nghía và nhắc nhớ: “Quả đúng là “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc lần đầu đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn này. Cảm xúc như vỡ òa bởi ở đây tôi sẽ thỏa sức với đam mê nông nghiệp của mình”. Nói rồi, ông Chạo chỉ về phía cuối vườn và kể về hành trình đầy gian nan, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt trong những ngày đầu lập nghiệp.
Sau khi rời quân ngũ, năm 1995, ông Chạo đưa vợ con từ miền quê Hải Dương vào Gia Lai định cư. Với số vốn tích góp được, ông mua 1 ha đất để trồng cà phê. Ngày đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống, đêm về, vợ chồng ông chong đèn chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Tuy nhiên, những năm đó, vườn cà phê cho năng suất rất thấp. “Thời điểm ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ, phân tích vấn đề và tìm hướng giải quyết. Không thể cứ mãi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn chịu cảnh nghèo đói, tôi quyết định đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số trang trại cà phê ở tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng. Sau chuyến đi, tôi nhận ra giống cà phê mình đang trồng đã cũ, không cho năng suất cao. Cùng với đó, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quả nhiên, những năm sau, khi được tái canh và có phương pháp chăm sóc tiên tiến hơn, vườn cà phê của gia đình đã cho năng suất cao hơn. Đến năm 2007, tôi mở rộng diện tích lên 6 ha và xen canh các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, chôm chôm… Với mô hình này, gia đình tôi thu về trên 1 tỷ đồng/năm”-ông Chạo cho biết.
Là người có niềm đam mê với cây cà phê, ông Chạo luôn tìm tòi, học hỏi và áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến nhất nên vườn cây của gia đình luôn xanh tốt và cho năng suất cao nhất vùng. Dù đã ở tuổi 60 nhưng ông không ngừng đổi mới, theo kịp thời đại công nghệ số. Hòa nhịp cùng nền nông nghiệp xanh, ông Chạo kiên trì canh tác theo hướng hữu cơ.
Là nông dân thời đại 4.0, ông Vũ Đức Điển (thôn 1, xã Nghĩa Hưng) luôn tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào ứng dụng trong sản xuất. “Tôi vốn là nông dân trồng lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng nơi ấy “đất chật, người đông”, cuộc sống khó khổ. Năm 1999, tôi đã quyết tâm đưa vợ con vào xã Nghĩa Hưng lập nghiệp. Lúc bấy giờ, với số vốn ban đầu vỏn vẹn chưa đầy 15 triệu đồng, gia đình tôi bắt đầu ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai với những loại cây trồng ngắn ngày. Sau một thời gian nỗ lực tích góp, năm 2023, gia đình tôi đã mua được gần 2 ha cà phê và xây dựng gia trại chăn nuôi heo”-ông Điển chia sẻ.
Với dáng người thanh mảnh, thư sinh, thoạt nhìn ít ai nghĩ rằng ông Điển là nông dân thứ thiệt. Sau nhiều năm bươn chải, ông đã thu “quả ngọt” nhờ sự nỗ lực và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông trở thành tấm gương điển hình để hội viên nông dân trên địa bàn học hỏi làm theo. Với 2 ha cà phê cùng 20 con heo nái và 400 con heo thịt, mỗi năm, gia đình ông thu về trên 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Điển cho rằng: Bản thân mỗi người, dù ở cương vị nào cũng phải cập nhật kiến thức về công nghệ để bắt nhịp với thời đại. Nhằm giảm thiểu thời gian và công sức trong các hoạt động thu mua thức ăn chăn nuôi, phân bón hay xuất bán heo thịt, cà phê… ông Điển đã thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để thực hiện các đơn hàng. Ngoài ra, ông chọn hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Từ khi áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, công việc nhà nông của gia đình ông Điển trở nên nhanh chóng, kịp thời và tiết kiệm được sức lao động, chi phí.
Được xem là “tỷ phú chân đất” dưới chân núi Chư Pao, cựu chiến binh Đặng Thanh Vân (tổ 1, thị trấn Phú Hòa) sở hữu trang trại rộng hơn 3 ha với cà phê, ổi, nhãn, dừa… “Đất cằn cho quả ngọt-quả đúng với câu chuyện làm nông dân của tôi”-ông Vân mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng một ví von. Rồi vừa chậm rãi nhấp ngụm trà nóng, ông vừa kể về cơ duyên gắn bó với mảnh đất này. Ông Vân sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bắc Giang. Năm 1995, ông đưa vợ con vào Gia Lai lập nghiệp. “Hồi ấy, tôi đánh liều mua gần 3 ha đất cằn dưới chân núi Chư Pao để trồng cà phê, hồ tiêu. Mọi người ngăn cản bởi vùng đất này toàn sỏi đá chứ không màu mỡ như những nơi khác. Nhưng tôi tin, khi mình biết đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào từng khâu sản xuất, phù hợp với từng loại cây trồng thì sẽ cho kết quả tốt”-ông Vân kể lại.
Và, việc đầu tiên trong hành trình làm nông nghiệp sạch là ông Vân bỏ thời gian đi tham quan, học hỏi ở một số trang trại trong và ngoài tỉnh. Rồi nghe ở đâu có hội thảo, tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, ông đều sắp xếp tham gia. Lúc bấy giờ, nhiều người vẫn nghĩ rằng ông chơi “ngông”, làm nông mà sao phải xách cặp đi học cái này, cái kia… Bỏ ngoài tai những lời phán xét, ông Vân vẫn miệt mài học. Ông bảo: “Sự học không bao giờ là muộn và cũng không phân biệt đối tượng. Mình là nông dân nhưng để có kiến thức thì phải học”.
Sau những chuyến đi, những cuộc hội thảo, ông lại tích góp được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để vận dụng vào thực tế trang trại của mình. Ông Vân thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán, chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái bền vững. Ngoài việc hạn chế phân hóa học, ông Vân sử dụng phân chuồng ủ hoai và đạm cá tự ủ… để bón cho cây trồng. Vườn cây ăn quả của gia đình ông luôn phát triển xanh tốt vượt trội trong vùng nhờ canh tác theo phương pháp thuận tự nhiên.
Ngoài ra, ông Vân còn đào 6.000 m2 ao để vừa lấy nước tưới cho cây trồng, vừa nuôi cá. Ông cũng phát triển mô hình chăn nuôi gà, mỗi năm xuất bán khoảng 30-40 ngàn con giống và 2-3 ngàn con gà thịt. Với mô hình kinh tế tổng hợp, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu lợi nhuận 600-800 triệu đồng/năm.