Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chư Prông đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5-9-2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) chú trọng cung cấp thông tin nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và đảm bảo tính định hướng.

Những năm qua, huyện Chư Prông luôn chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở và đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ hoạt động này. Toàn huyện hiện có 1 báo cáo viên cấp tỉnh, 25 báo cáo viên cấp huyện, 1.031 tuyên truyền viên cơ sở, 20 công chức xã, thị trấn phụ trách công tác thông tin cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức tập huấn cho hơn 800 lượt người làm công tác thông tin cơ sở. Qua đó, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở đã góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Người dân xã Ia Mơr tìm kiếm thông tin tại tủ sách pháp luật. Ảnh: Phương Dung


Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa-thông tin cơ sở cũng thường xuyên được củng cố, kiện toàn và trở thành những “cầu nối” quan trọng cung cấp, chuyển tải, phản hồi thông tin giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao, huyện Chư Prông hiện có 20 đài truyền thanh cấp xã, 1 thư viện, 17 điểm bưu điện văn hóa xã, 15 nhà văn hóa cấp xã, 145/146 thôn, làng có nhà văn hóa, 20 trung tâm học tập cộng đồng, 20 tủ sách pháp luật và 100% xã, thị trấn có bảng tin công cộng. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-thông tin: Xã có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, xã đã linh hoạt tổ chức nhiều hình thức thông tin như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo... Đặc biệt, với 650 đầu sách các loại, tủ sách pháp luật đặt tại UBND xã trở thành điểm tìm kiếm thông tin hữu ích của cán bộ và người dân.

Trong 20 đài truyền thanh cấp xã, có 7 đài đã được đầu tư kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông hay còn gọi là truyền thanh thông minh. Chia sẻ về tính ưu việt của đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông, ông Nguyễn Xuân Phương-cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: “Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc chiếc máy tính có kết nối internet thì ở bất cứ đâu cũng có thể cài đặt lịch phát sóng và bấm nút phát. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông đòi hỏi chi phí lớn nên quá trình chuyển đổi cần có lộ trình. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn huyện có 17 đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu trong tình hình mới”.

Mặt khác, các trang thông tin điện tử của huyện và cấp xã cũng thường xuyên cập nhật tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, huyện, xã; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Bà Phan Thị Trà My-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Băng-cho hay: “Tổ biên tập của xã gồm có 13 người, bình quân mỗi tháng có 8 tin, bài mới được đăng trên trang thông tin điện tử. Nội dung tin, bài tập trung vào các nhiệm vụ chính trị của xã; công tác phòng-chống dịch Covid-19; hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao của các ngành, đoàn thể; gương người tốt, việc tốt; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm... Tất cả tin, bài trên trang thông tin điện tử của xã đều được chia sẻ lên trang Facebook với hơn 5.300 lượt người tiếp cận”. Bảng tin công cộng của xã cũng thường xuyên niêm yết các thông báo, văn bản thuộc nhiều lĩnh vực do cấp xã ban hành ở vị trí thuận tiện để các cá nhân, tổ chức dễ quan sát, nắm bắt, thực hiện.

Đề cập đến công tác thông tin cơ sở, Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Dũng nhấn mạnh: Công tác thông tin cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động được đẩy mạnh, những vấn đề bức xúc trong dư luận được giải quyết kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, công tác thông tin cơ sở thời gian qua gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên được triển khai đồng bộ, mang lại nhiều kết quả khả quan.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin cơ sở, theo Bí thư Huyện ủy Chư Prông, thời gian tới, địa phương sẽ chủ động các nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cho các đài truyền thanh cấp xã. Đồng thời, huyện chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở cũng như các trang thông tin điện tử, bản tin công cộng, tủ sách pháp luật... đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

 

 PHƯƠNG DUNG

 

Có thể bạn quan tâm