Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội Nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, nhiều hội viên, nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thành lập các tổ hội nghề nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh-cho biết: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao và phù hợp với đặc thù của địa phương vào sản xuất. Cùng với đó, Hội vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp như: tổ hội trồng dâu nuôi tằm ở xã Ia Blứ; tổ hội nuôi dê ở các xã: Ia Dreng, Ia Le; tổ hội trồng cây ăn quả ở xã Ia Hrú, Ia Rong, Ia Le; tổ hội trồng lúa ở xã Chư Don…
Là hội viên tổ hội trồng cây ăn quả thôn Phú Quang (xã Ia Hrú), ông Hoàng Thái Hùng cho hay: Từ kiến thức có được khi tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, tôi đã tự tin chuyển 3 sào cà phê kém hiệu quả sang trồng mít Thái. Đến nay, 350 cây mít của gia đình đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Hiện tôi đã thu hoạch một nửa diện tích, bán được 70 triệu đồng. Dự kiến đến trước Tết Nguyên đán, gia đình sẽ thu hết toàn bộ, được khoảng 130 triệu đồng.
Vườn mít Thái của ông Hoàng Thái Hùng cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Ngọc Sang
Vườn mít Thái của ông Hoàng Thái Hùng cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Ngọc Sang
Ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú-cho hay: Thực hiện hướng dẫn của Hội Nông dân huyện, chúng tôi đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trên cơ sở tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực ngành nghề sản xuất. Hiện tổ hội trồng cây ăn quả ở thôn Phú Quang có 8 hội viên. Năm 2019, thông qua Hội Nông dân huyện, các hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng cây chắn gió xung quanh vườn... Hội Nông dân xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên trong tổ nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dần sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. 
Tương tự, mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp gia đình anh Phạm Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le) vươn lên làm giàu. Anh Tân cho biết: Năm 2015, tôi đã phá bỏ gần 2.000 gốc hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh để chuyển sang trồng cam sành và các loại cây ăn quả khác. Hiện nay, gia đình tôi trồng hơn 4 ha cây ăn quả gồm: cam sành, chanh tứ quý, bưởi da xanh, mít Thái, sầu riêng… “Năm 2018, gia đình tôi có thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ các loại cây ăn quả”-anh Tân chia sẻ.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Ia Le, toàn xã hiện có 10 ha cây ăn quả. “Đa phần các hộ dân trồng cây ăn quả ở xã là học tập theo mô hình của gia đình anh Tân. Đang lúc cây hồ tiêu chết ồ ạt khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, họ chuyển sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ này đã ổn định hơn”-ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le-cho hay.
Trao “cần câu” cho nông dân
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, song song với việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã tích cực tổ chức các chương trình tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất. Hội đã thực hiện tín chấp vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ đến cuối năm 2019 là trên 114 tỷ đồng của hơn 3.700 lượt nông dân vay vốn; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân cho 33 hộ vay với số tiền trên 493 triệu đồng. Đến nay, các mô hình sản xuất có hỗ trợ vốn từ các cấp Hội đều được đánh giá là tương đối hiệu quả. Phần lớn các mô hình được hỗ trợ đều liên kết theo nhóm hộ (nhóm ít nhất là 4 hộ, nhóm đông nhất là 23 hộ) góp phần tăng thu nhập cho mỗi hộ 20-30 triệu đồng/năm và giúp địa phương giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Đến nay, các cấp Hội trong huyện đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân xây dựng được 20 hợp tác xã và hơn 10 tổ hội nghề nghiệp tại các xã.
Vườn cam sành của gia đình anh Phạm Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le). Ảnh: P.N
Vườn cam sành của gia đình anh Phạm Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le). Ảnh: P.N
Không chỉ tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện còn chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Hội cũng chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 920 lao động. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp mở 10 lớp dạy nghề (6 lớp nông nghiệp và 4 lớp phi nông nghiệp) cho trên 200 lượt người tham gia.
Chia sẻ về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh cho biết: Nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân, Hội sẽ chủ động phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều hoạt động phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế điểm, đặc biệt là tăng cường giúp đỡ các hộ ở những xã khó khăn; vận động hội viên tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã… Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần gia tăng thu nhập và tạo đời sống ổn định cho các hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm