(GLO)- Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Gia Lai nói chung, huyện Chư Sê nói riêng hiện chưa xuất hiện ổ dịch nào trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, nhất là mùa mưa sắp đến.
Theo ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê: Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1-2020. Theo đó, huyện đã cấp 183 lít hóa chất Benkocid để phun tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chợ, khu vực tập kết, thu gom động vật với diện tích phun 292.800 m2; đồng thời, hướng dẫn các trang trại và cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung tự mua 60 lít hóa chất tổ chức phun với tổng diện tích 96.000 m2. Ngoài ra, để phòng-chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò, Trung tâm đã triển khai tiêm phòng vắc xin type O và A với số lượng 18.025 liều trên toàn huyện. Hiện các địa phương đã triển khai tiêm được 16.525 liều và dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 4 này.
Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại là giải pháp hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Q.T |
Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng huyện, người chăn nuôi trên địa bàn cũng đã thực hiện nghiêm các khuyến cáo để bảo vệ đàn vật nuôi. Chị Nguyễn Thị Trang (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) cho biết, gia đình chị nuôi 10 con heo và hơn 100 con vịt. Định kỳ hàng tuần, chị tiến hành phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Ngoài ra, chị cũng tự mua vắc xin tiêm phòng cho đàn heo và vịt, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, thay nước uống sạch... để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình.
Ngoài đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc xin phòng dịch, theo ông Quý, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thường xuyên tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi. Đồng thời, Trung tâm và các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; phổ biến các biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp ở vật nuôi. Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi heo tái đàn sau đợt dịch tả heo châu Phi, đảm bảo việc tái đàn thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại lò giết mổ động vật tập trung, đảm bảo cung cấp sản phẩm thịt an toàn, hợp vệ sinh cho nhân dân địa phương.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ảnh: Q.T |
“Đặc biệt, Trung tâm đã chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh đến tận thôn, làng, hộ chăn nuôi, nhất là tại các ổ dịch cũ ở các xã, thị trấn từng xảy ra dịch tả heo châu Phi. Khi phát hiện trường hợp có gia súc, gia cầm chết bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh, thú y viên phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để xác minh và can thiệp xử lý kịp thời nhằm tránh phát sinh, lây lan dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng”-ông Quý thông tin thêm.
Huyện Chư Sê có khoảng 89.500 con gia súc, gia cầm. Trong đó, đàn bò có khoảng 19.500 con, đàn heo có 20.500 con, đàn dê khoảng 4.000 con, trâu 500 con và đàn gia cầm khoảng 45.000 con |
QUANG TẤN