Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và những dấu ấn khó quên!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mai (27-9), đất nước đau buồn tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang-một người con ưu tú của dân tộc-về với đất mẹ Kim Sơn (Ninh Bình). Cả một thời tuổi thơ vất vả, cậu học trò nghèo trong gia đình đông con ấy đã không ngừng nỗ lực vượt lên số phận để từng bước trưởng thành, rồi được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng trao trọng trách đứng đầu Nhà nước. 62 năm cho một đời người là quãng thời gian thật ngắn ngủi để thực hiện khát vọng lớn lao được cống hiến cho nước, cho dân nhưng cũng đủ cho những dấu ấn của đồng chí Trần Đại Quang lắng đọng trong lòng nhân dân, bạn bè, đồng đội.
Ảnh nguồn internet
Trong ký ức của thầy giáo, bạn bè cũ, cậu học trò nghèo Trần Đại Quang là một người chịu khó, chăm học, kiên cường và biết vượt lên hoàn cảnh. Để rồi, lúc tròn 16 tuổi, ông trở thành học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương. Thầy giáo Châu Nam Long-nguyên giảng viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương-nhớ về người học trò ưu tú của mình: “Khi vào học ở trường, Quang là một học viên cần mẫn, chịu khó, nhanh nhẹn tháo vát và là một trong những người có kiến thức tốt, tiếp thu nhanh, chịu khó học hỏi. Vì thế, học xong Trường Cảnh sát là vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh học tiếp và làm Tiến sĩ ở đó. Phải nói Trần Đại Quang là con người năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi và đã trưởng thành từ thực tiễn, có kiến thức nhờ chuyên cần học tập”.
Hơn 40 năm công tác liên tục trong ngành Công an, đồng chí Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đã ghi dấu ấn khi chỉ đạo quyết liệt để phanh phui nhiều vụ án lớn. Điển hình là vụ đại án tham nhũng tại Vinalines năm 2012 với việc truy bắt Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines) tại Campuchia khi đối tượng này đang tìm đường chạy trốn sang Mỹ; hay vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đại án khác cũng được phanh phui sau đó như vụ Huỳnh Thị Huyền Như cố ý làm trái với số tiền sai phạm gần 4.000 tỷ đồng; vụ tham nhũng xảy ra ở Ban Quản lý các dự án Đường sắt Việt Nam, vụ án Hà Văn Thắm... Với cương vị người đứng đầu lực lượng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang thường trực tiếp đến hiện trường các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng để chỉ đạo điều tra và kịp thời động viên gia đình nạn nhân.
Có dịp tiếp xúc với đồng chí Trần Đại Quang trong những năm tháng làm việc tại Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban-nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân-luôn ấn tượng về một con người gần gũi như người anh, người đồng chí, một thủ trưởng giản dị và rất chân tình. Đặc biệt, đồng chí Trần Đại Quang là một trong những người có quan điểm quần chúng sâu sắc và rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ. “Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một trong những người đã thiết kế bộ máy Công an gần dân. Ông luôn quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, địa bàn khó khăn, phức tạp. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ông đã gần gũi với đồng bào các dân tộc địa phương, với cán bộ, chiến sĩ, động viên họ kịp thời trong thời điểm khó khăn, phức tạp nhất”-Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban nói.
Đồng bào, cử tri cả nước hẳn còn nhớ giây phút thiêng liêng khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên thệ: “Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”.
Nửa nhiệm kỳ trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại dấu ấn đậm nét trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ông là “kiến trúc sư” kế tục cho các mối quan hệ ngoại giao chiến lược và toàn diện. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có quan hệ rất thân tình, hữu nghị với bạn bè quốc tế khi tiến hành hàng loạt chuyến thăm, làm việc nối liền từ Đông sang Tây bán cầu, từ Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Brunei, Nhật Bản, Singapore cho tới Nga, Belarus, Italy, Peru, Israel, Ấn Độ, Vatican, Madagascar, Ethiopia và Ai Cập…; đón và tiếp nguyên thủ các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ… góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Đặc biệt, năm 2017, trong vai trò nguyên thủ nước chủ nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điều hành thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngay khi đang có vấn đề về sức khỏe, phải điều trị nhiều ngày ở nước ngoài.
Không hết lòng vì Đảng, vì dân; không hết lòng vì hình ảnh, vị thế quốc gia, sao có thể làm được như vậy!
Không vì dân, vì nước, sao có thể làm việc đến ngày cuối cùng, vẫn đón tiếp khách quốc tế; trước khi vào viện vẫn còn nhớ gửi thư chúc Tết Trung thu đến thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Tình cảm ấy, lòng dân đâu dễ ai quên!
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm