TN - Đất & Người

Chung tay thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) là 2 chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Việc tham gia BHYT không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân mà còn là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.

 Quyền lợi của người tham gia BHYT không ngừng tăng lên.
Quyền lợi của người tham gia BHYT không ngừng tăng lên.

Theo tính toán, bình quân một người bệnh điều trị nội trú tại trạm y tế xã thì có sự tham gia đóng BHYT của 2 người/năm; điều trị tại bệnh viện tuyến huyện phải có sự tham gia của 4 đến 6 người/năm; điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh thì có sự tham gia của 8 đến 10 người/năm và điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương thì phải có khoảng 15 người đóng BHYT/năm. Nói điều này để thấy rằng, tham gia đóng BHYT khi lành là để dành khi ốm, cũng là để cùng chia sẻ rủi ro với cộng đồng và việc “Chung tay thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân” là cần thiết. Đây cũng chính là chủ đề của Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7 năm nay.

Tại Gia Lai thời gian qua, hoạt động tuyên truyền về BHYT đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Qua tuyên truyền, người dân hiểu được những ưu việt của chính sách BHYT, những điểm mới, những quyền lợi khi tham gia BHYT từ đó tích cực tham gia, đảm bảo an sinh xã hội.  

Bảo hiểm y tế mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT, người bệnh được chi trả phần lớn chi phí khám-chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc men và được chăm sóc sức khỏe toàn diện khi khám-chữa bệnh… Ông Nguyễn Văn Mau-Trưởng phòng Giám định BHYT-BHXH Gia Lai cho biết: So với Luật BHYT năm 2008 thì Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) có nhiều điểm đột phá, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, quy định bắt buộc tham gia BHYT là một trong những điểm mới hết sức quan trọng của Luật BHYT sửa đổi. Luật này cũng khuyến khích một số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi (người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất). Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi cũng quy định trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. Cũng từ ngày 1-1-2015, hàng loạt nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT. Quỹ BHYT cũng sẽ thanh toán 100% chi phí khám-chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám-chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp khám-chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục)…

Những quyền lợi, chính sách của người tham gia BHYT không ngừng tăng lên, đồng thời các cơ sở khám-chữa bệnh cũng đã và đang tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Tính đến ngày 31-5-2016, toàn tỉnh có 1.091.672 người tham gia BHYT, chiếm 76,88% dân số toàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả này, tỉnh phấn đấu cuối năm 2016, có trên 78% dân số tham gia BHYT. Mục tiêu trên có thể thực hiện được bởi số người lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa tham gia BHYT còn khá lớn; nhóm đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện bắt buộc mua thẻ BHYT nhưng tỷ lệ tham gia còn thấp; nhóm đối tượng hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện còn trên 269.608 người chưa tham gia BHYT, chiếm 23,78% dân số…

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm