Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở cánh đồng Ia Chơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nhiều diện tích đất ở cánh đồng Ia Chơr thường xuyên gặp hạn trong mùa khô, ngập úng trong mùa mưa dẫn đến việc gieo trồng không đạt hiệu quả. Do vậy, nông dân đã chủ động làm thủy lợi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.  
        
Cánh đồng Ia Chơr nằm ở khu vực giáp ranh giữa Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) và làng Brel (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai). Cánh đồng này có rất nhiều loại cây trồng giống mới ngắn ngày, dài ngày và cả những ao cá cho thu hoạch quanh năm. Các loại cây trồng, vật nuôi ở nơi đây được bà con Jrai chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn theo phương thức thủ công truyền thống, không sử dụng hóa chất nên luôn đảm bảo an toàn. Tiếng lành đồn xa, khách hàng ở nhiều nơi đã và đang tìm đến đây trao đổi, mua bán các mặt hàng nông-thủy sản.

 

Cánh đồng Ia Chơr. Ảnh: H.C
Cánh đồng Ia Chơr. Ảnh: H.C

Để sử dụng hiệu quả diện tích đất ở cánh đồng Ia Chơr, người dân đã chủ động làm thủy lợi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tùy theo chất đất, địa điểm mà bà con nuôi trồng các loại cây, con giống phù hợp, không để đất hoang. Đối với những chân ruộng cao, thiếu nước tưới vào mùa khô, bà con đã đầu tư sản xuất các loại: rau cải, rau đay, rau dền, rau muống, rau thơm, khoai môn, khoai lang, khổ qua... Đối với những chân ruộng thấp, thường bị ngập úng trong mùa mưa, người dân đào ao nuôi cá hoặc gieo sạ các giống lúa mới như: HT1, Q5, Nhị Ưu 838, ML 48... Đây là các giống lúa ngắn ngày (từ 90 ngày đến 95 ngày), có thân cao, cây cứng cáp, kháng sâu bệnh tốt, chịu được ngập úng và cho năng suất cao hơn các giống lúa khác.

Năm nay, nhờ mưa thuận gió hòa, người dân lại biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác nên các loại cây trồng ở cánh đồng Ia Chơr được mùa, nhiều gia đình người Jrai nơi đây đã xóa được đói, giảm được nghèo. Anh Puih Glê (làng Brel) vui vẻ nói: “Nhà mình có hơn 500 m2 ao cá, 2 sào trồng các loại rau, ớt ở cánh đồng này. Từ đầu năm đến nay, trừ phần để ăn trong nhà và cho người thân, gia đình mình còn thu được hơn 100 triệu đồng từ việc bán rau, ớt và cá. Thấy sản xuất rau màu hiệu quả hơn việc gieo sạ lúa, bà con Jrai đang tìm cách học hỏi thêm kinh nghiệm làm nhà lưới”.

Tương tự, chị Siu Lơh (Pleiku Roh) bộc bạch: “Nhà mình có gần 4 sào rau màu ở cánh đồng Ia Chơr. 8 người trong nhà mình chuyên trồng rau, củ, quả ở cánh đồng này. Bán tại ruộng, bán tại nhà không hết hàng, gia đình mình thay nhau chở ra chợ Bà Định (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) tiêu thụ. Rau, củ, quả do bà con Jrai trồng đều không tưới chất kích thích, không phun thuốc trừ sâu nên được khách hàng ưa chuộng”. Cũng theo chị Siu Lơh, người Jrai ở vùng này biết làm thủy lợi, gieo trồng các loại giống mới, sản xuất rau màu, nuôi cá ở cánh đồng Ia Chơr là nhờ có sự hướng dẫn của nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ khuyến nông cùng nỗ lực học hỏi những kinh nghiệm của bà con các dân tộc anh em.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Đổ, phấn khởi cho biết: “Cánh đồng Ia Chơr ngày càng đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, nhờ vậy đã giải quyết được việc làm cho người dân địa phương. Từ việc sản xuất rau màu và nuôi cá thành công ở cánh đồng này, phường Yên Đổ đang tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con, nhất là bà con Jrai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các cánh đồng khác”.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm