Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Chuyện tình ở xóm Đá Côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Đá Côi”, tên xóm có từ khi nào không ai biết, kể cả ông Sáu, người lớn tuổi nhất vùng lớn lên từ thời Pháp thuộc, trải qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giờ vẫn còn trụ lại với bà con nhiều thế hệ.

“Đá Côi”, tên xóm có từ khi nào không ai biết, kể cả ông Sáu, người lớn tuổi nhất vùng lớn lên từ thời Pháp thuộc, trải qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, giờ vẫn còn trụ lại với bà con nhiều thế hệ.

Riêng điều này thì nhiều người trong ngoài xóm đều biết, tên xóm cũng là tên tảng đá nằm ven đường vào nhà cô Nhân, một phụ nữ xinh đẹp đã lớn tuổi mà vẫn chưa chồng.

Cũng lạ, làng kéo dài men theo chân núi Hòn Tàu, giữa một bên đồi núi một bên đồng hẹp luôn nươm nước suối Mơ cho cây lúa. Vậy mà chỉ có duy nhất tảng đá nổi lên cao rộng ở hướng Đông Nam. Ông Sáu chỉ tay về phía núi, nói với gã bán ảng:

- Chú thấy không, đá kìa, đá chồng đá, lớn nhỏ đủ cỡ. Cách nhau chỉ mấy ngôi nhà mà dãy ruộng bên này bằng phẳng, đất tốt, không một tảng đá cản trở, trừ hòn Đá Côi.

Người xưa thường nói, thế này là đất lành, hợp phong thủy. Dễ chi có được đồng phía trước đồi sau lưng, ngày gió biển thổi lên, đêm gió núi lồng ra, gió đổi chiều nào cũng mát. Lại hòn Đá Côi giống như bức bình phong án ngự mặt tiền, vừa ngăn độc vừa giữ lành.

Ông Sáu cố ý lờ đi một chi tiết mà dân trong vùng thường nói. Đó là hòn Đá Côi ngó vậy chứ linh lắm. Nó cứ theo ám cuộc đời cô Nhân đến nỗi đã trên ba mươi tuổi mà vẫn phải sống cô độc. Xấu đã đành, đằng này cô xinh đẹp, tốt tính, nhiều con trai thích.

Nhà cùng bờ rào cây xanh với vườn cô Nhân, ông Sáu không muốn gây thêm hoang mang cho người hàng xóm tốt bụng. Thậm chí, ai động đến chuyện hòn Đá Côi linh thiêng ông đều can ngăn.

Đá vận vào đời hồng nhan thế nào không ai tin chắc, nhưng mấy người lớn tuổi lại hay nhắc con cháu không nên trèo lên Đá Côi. Lâu ngày thành quen, dù đá vẫn là đá, không thể hiện thương ghét ai.

Gã bán ảng không để ý đến lời ông Sáu về chuyện đá, chuyện suối đồng, đồi núi. Gã chỉ cố nhớ lại cái lần gặp cô Nhân dưới chân suối Mơ. Hôm ấy gã vô tình dừng lại trên đá nghỉ chân, mở đùm khoai ra ăn nửa buổi.

Vừa định xuống suối rửa tay chân cho mát thì thấy cô Nhân từ trong suối sâu bước ra. Mái tóc dài ướt mềm dính từng sợi vào chiếc áo cánh chưa kịp khô. Cô cố né nghiêng người sang một bên khi chào gã bán ảng.

Còn gã, như vừa từ trên trời rơi xuống, ấm ớ chào lại và quên không kịp lấy thêm nước suối dự trữ vào cái hũ sành. Gánh lủng lẳng đôi ảng đất dọc theo một bên rừng một bên đồng, gã mải nghĩ: “Gái quê mà cũng có người đẹp quá!”.

Một buổi trưa, gã bán ảng giả vờ nghỉ chân dưới bóng mát cây xoài lớn cạnh nhà cô Nhân. Gã nói xin nước, nhưng mắt cứ đảo quanh từ ngoài vườn vào nhà trên, xuống nhà dưới.

Mẹ cô Nhân nằm thiêm thiếp trên chiếc chõng tre. Cạnh giường là tô khoai chà đang ăn dở, chiếc quạt mo cau và cái gáo dừa đựng nước. Nghe con Vàng sủa, bà quay ra: “Ai đó?”. Vừa lúc ấy, cô Nhân từ dưới bếp bước lên, cô chào khách, mặt ửng đỏ dần khi nhớ lại cái hôm mình tắm suối Mơ, áo ướt dính sát da.

Nước chè xanh thơm ấm được cô chủ mang ra mời khách. Chuyện tản cư bỗng dưng sôi nổi giữa trưa, đến rát rạt gió Lào cũng không ai nghe nóng. Gã bán ảng tỏ ra là người từng trải, hiểu biết nhưng điềm tĩnh. Bà Lựu, mẹ cô Nhân, sôi nổi như đang được sống lại một thời khó quên. Mắt bà long lanh, giọng khỏe hẳn, cơn buồn ngủ tan biến.

‘’Hồi đó tui gánh con Nhân này một đầu nè, đầu kia là gạo bắp, áo quần chứ có đồng tiền nào đâu. Lắc lư quang gánh qua biết bao rừng đồi, sông suối mới đến được nơi đây. Cũng may, nhờ trời thương, đất giúp nên mẹ con vẫn sống khỏe cho đến bây giờ. Cha nó mà không mất vì bom đạn thì chừ mẹ con tui đã sướng lắm rồi…”. Theo ngón tay chỉ của bà Lựu, gã bán ảng thấy cô Nhân mỉm cười, nụ cười đã theo gã không chỉ suốt buổi chiều, buổi tối mà cả một quãng đời người.

Thì ra là dân tản cư với nhau cả. Gã gửi thân tại làng gốm Quế An cũng giống như cô Nhân đến với xóm Đá Côi. Vừa đi vừa nghĩ, bỗng gã quay lại, cầm theo đùm cá khô dự trữ lấy từ trong ảng đất: “Con xin tặng bà, để nhớ những ngày sống ở miệt biển, dưới con gần chợ mua cá dễ hơn”.

Không phải con cá chuồn gửi lên, cũng không có trái mít non nào gửi xuống, nhưng gã cảm thấy ấm áp lạ lắm. Từ hôm đó, gã có thói quen hay ghé nhà cô Nhân, khi xin bát nước chè xanh, khi gửi chút quà biển, khi hái trái mít, trái bòng về xuôi.

Thậm chí có người còn hỏi ông Sáu: “Ông biết gã bán ảng đã ngủ nhờ nhà con Nhân không? Sáng nay, thằng Hữu thâu ống lươn về sớm thấy gã đi ra từ đó”. Nghe nghi nghi, ông Sáu chợt nhớ con Vàng nhà bà Lựu không sủa mà còn mừng mỗi lần gã bán ảng vào ra.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Đá Côi thuộc vùng chịu khá nhiều áp lực từ bom đạn. Đá vẫn nguyên đá, nhưng người thì thêm một lần bị xáo tung cuộc sống. Đi ở, sống chết thất thường, ngay cả ông Sáu lão làng cũng thình lình đi theo đội quân Nam tiến.

Trong số khá đông người rời xóm, duy nhất có người nhập xóm, đó là gã bán ảng. Bà Lựu mất trong một lần máy bay B52 thả bom ác liệt dọc theo vùng chân Hòn Tàu. Khi ngôi nhà của mẹ con bà bị cháy, căn hầm chìm ẩn sâu trong lòng núi chỉ còn lại hai trái tim nương nhau chung sống: cô Nhân và gã bán ảng.

Hòa bình, xóm Đá Côi hồi sinh cùng với sự hình thành tên gọi mới: Xóm Cây Xoài Đôi. Hai cây xoài cao to, xanh um, tỏa bóng che mát rượi một vùng đất rộng. Bom đạn rải thảm, cây rừng cháy sạch mà hai cây xoài vẫn thản nhiên vươn nhìn mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi cao xanh.

Dưới gốc là một tảng đá bằng phẳng, nơi gã bán ảng thường hẹn hò với cô Nhân để bắt đầu một cuộc tình từ sự cảm thông gian truân. Chính mỗi người đã tự tay đào lấp một hột xoài xuống cạnh tảng đá - như ươm mầm cho tình yêu - rồi hứa sống thủy chung với nhau trọn đời.

Con đường huyện được bê tông thoáng rộng băng qua xóm Đá Côi, tạo thành “ngã ba cây xoài đôi” theo cách quen nói của người dân trong vùng. Thêm một quán bên đường được mở ra.

Chủ quán là một cặp vợ chồng ở độ tuổi cổ lai hy, tóc bạc, da nhăn, nhưng mắt vẫn trong và nụ cười vẫn tươi. Chuẩn bị qua đèo hay vượt đèo xong, khách thường vào đây ngồi nghỉ chân, uống ly nước mía, nước dừa, mua trái thơm, trái mít… vừa ngắm suối Mơ và đỉnh Hòn Tàu cao chon von.

Còn vợ chồng chủ quán mỗi khi rảnh tay thường ngồi nhổ tóc bạc cho nhau, vừa nhắc lại chuyện xưa. Nào là chuyện “chớp đèo Le lấy ghè đựng nước”, biết vậy mà anh vẫn đội mưa gánh ảng đi bán để được gặp em. Rồi chuyện cái ảng đất vô tội bị đập bể, để lấy cớ xin ngủ nhờ qua đêm ở nhà bà Lựu.

Thế hệ con cháu ông bà Nhân giờ không còn biết xóm Đá Côi nữa. Chúng chỉ biết Cây Xoài Đôi do chính bàn tay cha mẹ trồng. Để mỗi lần đi học, đi làm xa về, chúng thường ra đây trèo hái những trái chín vàng ươm treo lủng lẳng đầy cành.

Hòn Đá Côi cũng đã được dân trong vùng đục chẻ để xây nhà mới. Tên xóm giờ chỉ còn trong văn cúng, vậy mà mỗi lần nhắc đến, bà Nhân vẫn nghe rùng mình. Nếu không có tình yêu của gã bán ảng xóa đi nỗi ám ảnh đơn côi thì liệu đời bà bây giờ sẽ ra sao…

Theo TIÊU ĐÌNH (QNO)

Có thể bạn quan tâm