Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bao la tình mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chị không thương con như cách những người mẹ khác hay làm, nhưng chị là một người mẹ vĩ đại. Đó là những gì mà tôi và nhiều người nhìn thấy ở chị- một người phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ, yếu thế trong xã hội.

Ở chốn thôn quê này, người ta hay gọi chị là Út khờ. Có người bảo, ai nỡ đặt cho chị cái tên nghe sao mà kỳ thị, nhưng cũng có người bảo gọi vậy cho dễ gọi, cho dễ “hình dung” về chị.

Trong khi ngoài kia người ta còn tranh luận về tên gọi của mình thì chính chị lại có vẻ đã chấp nhận và quen với cách xưng hô ấy. Bởi hình như chị cũng biết mình không được “bình thường” như “người ta”. Bằng chứng là hễ đang đi ngoài đường mà nghe ai đó gọi “Út khờ” là chị lại vui vẻ dừng lại chuyện trò.

Người thương thì lúc nào cũng chia sẻ những điều tốt với chị. Người có ác ý thì cứ gọi tên xong lại chọc ghẹo đủ điều để mua vui, để gây cười cho riêng mình, hay cho một nhóm người. Nhưng chị mặc kệ, hay đúng hơn là chị không để ý. Dù gặp người tốt hay xấu, chị vẫn nở nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ. Bởi thế mà bọn trẻ con chúng tôi yêu quý chị lắm.

Dẫu có cực khổ thế nào, mẹ cũng nỗ lực vì con. Ảnh minh họa

Dẫu có cực khổ thế nào, mẹ cũng nỗ lực vì con. Ảnh minh họa

Cho đến một ngày, không biết từ đâu, người trong xóm đồn chị có bầu. Thông tin người phụ nữ không chồng mà có chửa nhanh chóng truyền đi khắp làng trên xóm dưới.

Rồi có mấy người đàn bà trong xóm còn lôi chị ra tra hỏi, chọc ghẹo. Chị khờ nhưng không phải chị không biết. Bởi vậy, khi được hỏi đến những câu xoáy vào tận cùng nỗi đau của mình, chị lại lặng thinh, gương mặt chất chứa một nỗi buồn, vừa man mác vừa sâu thăm thẳm. Thứ mà chưa bao giờ người ta nhìn thấy trên mặt Út Khờ.

Những ngày tháng sau đó là quãng thời gian chị Út gặp nhiều khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Từ một người con gái vô tư như trẻ con, chị trở nên ít nói, ít cười. Thậm chí có nhiều ngày, chúng tôi không nhìn thấy nụ cười vô tư như đứa trẻ quen thuộc của chị.

Trên con đường làng những ngày nắng hạ khốc liệt vậy mà có lúc chị dường như không biết nắng nóng là gì, cứ lang thang, lang thang vô định. Ai cho gì thì chị ăn ấy. Lúc mệt mỏi, chị dừng nghỉ trong một căn nhà hoang, lúc thì tự dựng một căn chòi bằng những tàu lá chuối, lá dừa bên gốc đường; cũng có khi chị lại trở về trong căn nhà ọp ẹp của cha mẹ mình ở cuối làng.

Bụng bầu của chị ngày càng to, những lời dèm pha của người đời dành cho chị vẫn không chịu dứt, cứ đeo bám lấy chị. Chỉ đến ngày nghe tin chị sinh em bé, một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm, người ta mới thay những lời chê bai bằng những lời chúc mừng. Người ta mừng vui vì chị khờ mà sinh được đứa con kháu khỉnh.

Còn chị, một người mẹ bị thiểu năng trí tuệ ở một góc nào đó trong tâm hồn mình dường như được đánh thức. Chị quấn quýt con trai mình, yêu thương, vỗ về khi đứa bé nhìn chị với một ánh nhìn trong veo. Đôi mắt chị ánh lên một niềm vui, niềm hạnh phúc đến khó tả.

Tình yêu thương của mẹ là bao la, vô bờ bến. Ảnh minh họa

Tình yêu thương của mẹ là bao la, vô bờ bến. Ảnh minh họa

Người ta hỏi chị lấy gì để nuôi con, chị bảo lấy cơm, lấy gạo. Người ta lại hỏi tiếp, lấy cơm, lấy gạo từ đâu, chị lại bảo từ việc đi làm thuê, làm mướn. Cũng có người đến hỏi xin con mình thì bị chị phản ứng dữ dội, thậm chí còn đòi sống chết với người ấy để bảo vệ đứa trẻ.

Dường như có một sự thay đổi ngoạn mục đang diễn ra trong chị Út. Những tháng ngày lang thang vô định của chị đã không còn. Thay vào đó, để có tiền mua bỉm, sữa cho con, chị đi kiếm việc làm.

Sau mấy tháng sinh con, người ta thấy chị đi làm cỏ mì, cỏ bắp cho người trong làng. Những buổi chiều chân lấm tay bùn, nhận được những đồng tiền đi làm thuê làm mướn, chị vội vàng mang ra mua sữa cho con.

Hết những mùa lúa, mùa đậu, mùa mì để làm thuê, chị Út lại đi rửa chén cho các quán cà phê, quán ăn hoặc đi dọn dẹp nhà cửa cho những gia đình giàu có ở thị trấn.

Mà lạ thay, chữ Khờ trong tên chị đã rơi đâu mất. Người trong làng chỉ còn gọi là Út, chị Út.

Trong căn nhà nhỏ của ba mẹ để lại, người làng thấy chị Út trở thành một người mẹ thật vĩ đại. Chị không thương con như cách mà những người mẹ khác hay làm, bởi chị bị thiểu năng trí tuệ. Nhưng chị sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ con mình. Bữa cơm có được món gì ngon, chị đều nhường hết phần cho con. Con đau, chị thức trắng đêm để chăm sóc.

Chị không biết chữ nên không thể dạy cho con mình những con chữ, những phép tính, nhưng bài học vỡ lòng chị đã dạy cho con chính là tình yêu thương bao la của một người mẹ. Và cũng chính tình yêu ấy đã chắp cánh cho ước mơ của con chị ngày một bay cao hơn.

Mười mấy năm trôi qua, bây giờ, đứa con trai chị cũng đã vào đại học. Ngần ấy năm cũng là ngần ấy thời gian chị nếm trải biết bao chông gai khó nhọc của cuộc đời.

Có lẽ với những người bình thường người ta sẽ phải khóc, thậm chí là còn khóc hết nước mắt, nhưng người ở làng không thấy chị Út khóc bao giờ. Có lẽ, những giọt nước mắt của chị chảy vào trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Mỗi lần về quê, thấy người đàn bà khuyết tật ấy gầy hơn một chút, nước da sạm đen hơn một chút bởi nắng mưa, tôi chỉ cầu mong sao chị luôn mạnh khỏe để tiếp tục “tiếp sức” cho con trai mình vững bước trên hành trình đi tới tương lai.

Có thể bạn quan tâm