Ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, đọc “Những trang đời huyền thoại” của Đại tá, nhà báo Phan Tiến Dũng (Trưởng cơ quan đại diện Báo QĐND tại miền Trung- Tây Nguyên), tôi liên tưởng đến một sự trùng hợp kỳ lạ. Tháng 4-1975, cả nước ra trận dốc sức, đồng lòng đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Tháng tư của 45 năm sau, cả nước lại ra trận chống đại dịch Covid-19. Khi Tổ quốc cần, những người trên tuyến đầu năm xưa và các y bác sĩ trên tuyến đầu năm nay, đều sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu.
Bìa cuốn sách “Những trang đời huyền thoại”. |
Tập truyện ký “Những trang đời huyền thoại” gồm 16 bài viết, được tác giả ghi lại trên dọc đường tác nghiệp của mình. Ngay đầu sách, tác giả đã bộc bạch: “Mỗi nhân vật tôi gặp, mỗi gương mặt tôi quen, cho dù đó là những vị tướng quân đội, là những nhân chứng lịch sử, cho tới những người chiến sĩ, những người dân quê lam lũ… đều tỏa sáng nét đẹp mộc mạc, chân tình như chính của đời họ vậy”. Với tâm nguyện ấy, độc giả sẽ không bất ngờ khi Phan Tiến Dũng lựa chọn những nhân vật dung dị như: Mẹ Thọ ở P. Vĩnh Trung (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) (Nồi cháo Thạch Sanh của mẹ), cựu chiến binh Đặng Thành Nhơn (Áo vợ, cơm nhà… lo việc nghĩa)… Với lợi thế là một nhà báo quân đội, đi nhiều, viết nhiều và hình như mảng đề tài chiến tranh cách mạng là sở trường của anh nên phần lớn trong tập truyện ký này, Phan Tiến Dũng dành dung lượng cho hình ảnh người lính cả thời chiến lẫn thời bình. Đặc biệt, cuốn sách chỉ hơn 200 trang, nhưng có đến 46 trang viết về cuộc sống của những người lính trên quần đảo Trường Sa (Sức sống Trường Sa), 43 trang viết về chiến công và cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên “đoàn tàu không số” năm xưa (Những trang đời huyền thoại).
Viết về chiến tranh cách mạng, không ai có thể quên được những con người “xoi đường trên biển”. Họ đã làm nên kỳ tích “đường Hồ Chí Minh” trên biển với: “…1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích…”. Để dân tộc ca khúc khải hoàn vào tháng 4-1975, nhiều con tàu đã không về đến bến, nhiều người con ưu tú của đất nước đã nằm lại dưới biển sâu. Kết thúc chiến tranh, những người hùng năm xưa về với đời thường, dung dị và mộc mạc. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng gác mọi riêng tư lên đường cống hiến. Đất nước hòa bình, họ cũng vất vả mưu sinh như bao người dân nước Việt. Máy trưởng Phan Nhạn kiên cường năm xưa, nay vẫn “ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ chừng 40m2 tại Nha Trang”, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích với kỳ tích 9 lần vượt biển “từ thời xông pha trận mạc cho đến lúc về già, bao giờ ông cũng quan tâm tới người khác”... Khi chiến tranh, không ai mang xương máu để tính công ngày hòa bình. Lúc Tổ quốc lâm nguy, họ coi việc lên đường cứu nước là điều hiển nhiên nên khi được trở về sau cuộc chiến, họ thấy mình may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống khi tóc còn xanh. Vì vậy, viết về người lính từng đi qua chiến trận, người viết không những am hiểu về lĩnh vực quân sự mà phải xuất phát từ sự trân trọng sâu thẳm trong trái tim. Đọc “Những trang đời huyền thoại”, hẳn độc giả sẽ cảm nhận được những gì tác giả dành cho thế hệ cha anh.
Gấp cuốn sách khi chưa hết lệnh cách ly xã hội để chống dịch Covid-19, tôi thầm nghĩ ngày xưa cha ông ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bây giờ chúng ta chỉ việc ở yên trong nhà sao mình không làm được? Các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch cũng không khác gì những thủy thủ trên con tàu không số năm xưa. Quả thực, họ cũng là “những trang đời huyền thoại” như nhà báo Phan Tiến Dũng đã đặt tựa đề cho tác phẩm của mình.
Theo NGUYỄN AN NHIÊN (cadn)