Thời sự - Bình luận

Còn 13.233 Trà Leng đang… chờ lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề án bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá đã được làm từ 2012, ban đầu dự kiến làm trong 5 năm là xong, nhưng vì “thiếu kinh phí” “chắc phải triển khai 15-20 năm” - theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Chị Hồ Thị Hoà ở nóc Ông Đề, Trà Leng mất một lúc cả cha, mẹ, em gái và con trai . Gia đình cậu, dượng của Hòa cũng bị vùi lấp (Ảnh: Thanh Chung/LĐO).
Chị Hồ Thị Hoà ở nóc Ông Đề, Trà Leng mất một lúc cả cha, mẹ, em gái và con trai . Gia đình cậu, dượng của Hòa cũng bị vùi lấp (Ảnh: Thanh Chung/LĐO).
Trên mạng, bức ảnh nữ sinh lớp 11 Hồ Thị Điệp ngã quỵ trước 2 ngôi mộ cha mẹ với gói mì tôm bẻ đôi đang được chia sẻ dữ dội như một biểu tượng của tang tóc. Nhiều người cũng không thể cầm được nước mắt trước bức ảnh chụp chị Hồ Thị Hoà ở Trà Leng gào khóc trong đau đớn khi cả con trai, cha mẹ và em gái của chị bị vùi lấp trong đất đá.
Thảm hoạ ở Trà Leng đến sau những tiếng nổ lùng bùng từ sâu trong lòng đất. Và sau đó, đất đá, nước, cây gỗ từ trên núi Pa Ranh ầm ầm đổ về, san phẳng nóc Ông Đề, thôn 1, Trà Leng.
34 người nóc Ông Đề đã sống sót một cách cực kỳ may mắn. Dòng lũ đất đá, như một cơn sóng, xô đẩy nhà cửa, cuốn trôi 53 người dân bị chặn lại khi gặp chân núi.
Nhưng cha mẹ Điệp, nhiều người trong gia đình chị Hoà và rất nhiều người khác đã không có được may mắn ấy.
Nóc Ông Đề, có những đứa trẻ mất cả cha lẫn mẹ như Điệp. Có những những người mẹ mất đến 3 đứa con.
Nhưng Trà Leng sẽ không phải là tấn thảm kịch cuối cùng.
Năm ngoái, Tổng cục Phòng chống thiên tai đưa ra một thống kê cho thấy mức độ lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam đang tăng rất khủng khiếp.
Nếu giai đoạn trước, cả nước xảy ra 448 trận, bình quân 7 trận/năm thì bắt đầu từ năm 2000, số vụ lũ quét, sạt lở đất đã tăng lên tới 15-16 trận/năm, tức là tăng hơn gấp đôi
Đề án bản đồ hiện trạng sạt lở đất do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thực hiện cũng đã đưa ra một con số thật sự đáng báo động.
Theo đó, kết quả điều tra, khảo sát địa chất đã xác minh được tới 15.000 điểm từng xảy ra các tai biến địa chất. Trong đó, 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún; 22 điểm sụt lún và 13.233 điểm sạt lở đất đá… như Rào Trăng, như Hướng Hoá, như Phước Sơn, như Trà Leng.
15.000 điểm trên 21 tỉnh thành. Một con số kinh khủng. Một mối nguy hiểm khôn lường lơ lửng trên đầu những người dân vô tội.
Nhưng vì sao chúng ta mới chỉ làm bản đồ ở mức độ sơ sài 1/50.000, trên PLO sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết Đề án ban đầu dự kiến triển khai chỉ trong 5 năm là xong, nhưng đến giờ, do thiếu kinh phí nên chắc phải triển khai 15-20 năm.
Thiếu tiền. Cho nên chưa có bản đồ chi tiết. Thiếu tiền, đến nỗi cứ đến mùa mưa bão là nhiều khu vực luôn ở vào tình trạng “cảnh báo đỏ”, như ở Xín Mần (Hà Giang) “các khối trượt đã hình thành và cả thị trấn nằm trên khối trượt này”- nhận định của TS Nguyễn Đức Mạnh, Đại học Giao thông Vận tải.
Chúng ta chưa giàu, nhưng liệu có thiếu tiền đến mức làm chậm cả những đề án cảnh báo rủi ro cho dân như thế không?
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/con-13233-tra-leng-dang-cho-lo-850109.ldo

Có thể bạn quan tâm