Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 69/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo Quyết định, công bố các tác phẩm văn học ca ngợi sự nghiệp cách mạng, phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc kháng chiến thần kỳ giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ; góp phần tiếp tục kế thừa và bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học.
Nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam (sách in) phản ánh về đề tài đất nước và cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xây dựng và công bố 190 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, gồm 90 tập sách 3D ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; phản ánh sâu sắc, toàn diện thành tựu của công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, tiến tới kỷ niệm 90 năm thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 100 tập sách ca ngợi, phản ảnh về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua lịch sử 100 năm hình thành và phát triển.
Nghiên cứu, biên soạn và công bố các tác phẩm sách văn học 3D phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ phải triển khai là khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, quảng bá và công bố các công trình, tác phẩm văn học Việt Nam về đề tài ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc dưới dạng sách truyền thống (sách in), sách 3D và nền tảng tri thức số thông qua việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp, tổ chức biên tập và xuất bản các tác phẩm văn học phản ánh đề tài đất nước và cách mạng Việt Nam (dưới dạng sách in thuộc các thể loại: tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, các thể ký, thơ, tản văn, tùy bút, phóng sự, lý luận và phê bình văn học...), bảo đảm thống nhất về quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiện dụng trong lưu hành và sử dụng.
Nghiên cứu, biên soạn và công bố các tác phẩm sách văn học 3D phản ánh về đề tài lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng, quá trình hình thành, phát triển và thành tựu đạt được của đất nước, bảo đảm trực quan sinh động, dữ liệu số 3D chi tiết các tư liệu, giá trị hiện vật kết hợp với thuyết minh tự động.
Xây dựng trang tin điện tử (Website) đăng tải chi tiết hệ thống tư liệu số của Chương trình bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn học cách mạng với các dạng đề tài về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam.
Chuẩn hóa định dạng các sản phẩm của Chương trình bảo đảm thuận tiện cho việc khai thác trên nền tảng số và các ứng dụng điện tử khác; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và tích hợp được với Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất.
Phối hợp với các thư viện trên cả nước, tạo điều kiện giúp bạn đọc tiếp cận đầy đủ với bộ sách, từ đó có được nhận thức toàn diện, đầy đủ về thành tựu văn học cách mạng của đất nước; phục vụ nhu cầu khảo cứu của các nhà chuyên môn và công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng học tập văn học trong nhà trường và cho mọi tầng lớp nhân dân.